VIB chia 15% cổ tức bằng tiền mặt, lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng

Tú Uyên (Tổng hợp)| 15/03/2023 16:08

Sáng 15/3, các cổ đông Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã thông qua kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức 35% (20% cổ phiếu, 15% bằng tiền mặt), tăng vốn điều lệ và bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ IX (2023-2027)... tại đại hội cổ đông thường niên 2023.

Năm 2022, lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng

Cụ thể, về kết quả kinh doanh năm 2022 của VIB, lợi nhuận trước thuế đạt 10.581 tỷ, tăng 32,1% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra. Vốn điều lệ đã tăng từ 15.531 lên mức 21.077 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 35,7%. Tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 342,799 nghìn tỷ, tăng 10,8% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng đạt 239.920 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021. Huy động tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 231.899 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước. Nợ xấu khống chế ở mức 1,79%.

vib-nam-2022.png

Theo Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB, trước Covid, VIB kiên định và nhất quán chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. Trong 3 năm qua do chỉ đạo của NHNN để đảm bảo an toàn hoạt động và hỗ trợ nền kinh tế nên chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Với kết quả kinh doanh năm qua, VIB hoàn toàn có thể chia cổ tức tỷ lệ 38%, tuy nhiên để đảm bảo CAR thì chỉ quyết chia tỷ lệ 35%, thực hiện chi trả trong năm 2023, trong đó 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức tiền mặt (chia thành 2 đợt 10% và 5%).

Thực tế ban lãnh đạo rất quan tâm quyền lợi của cổ đông, Ngân hàng thường xuyên tham khảo chế độ chia cổ tức của các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là các cổ đông chiến lược. Năm sau, nếu không có sự giới hạn của NHNN thì có thể chia cổ tức trên 30% lợi nhuận sau thuế của năm 2023.

Chia sẻ thêm về thị trường bất động sản sụt giảm có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản đảm bảo, Ông Đặng Khắc Vỹ cho hay, VIB cho vay nhà ở khác với các ngân hàng khác, VIB không cho vay các dự án đang triển khai, không cho vay condotel mà cho vay đúng nghĩa là cho vay tiêu dùng (có sổ hồng, sổ đỏ, mục đích sử dụng đa mục đích như một phần để kinh doanh, một phần để ở) nên rủi ro không có.

Ngoài ra, năm 2022 và năm 2023 sẽ còn rất khó khăn. Theo báo cáo của Credit Suisse và Moody, hoạt động VIB vẫn đang rất khả quan. Trái phiếu chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng dư nợ, lại thuộc nhóm sản xuất kinh doanh và định chế tài chính. Chỉ có 3% trái phiếu và cho vay bất động sản - mức rất thấp trên thị trường.

Hiện 90% dư nợ của VIB là retail banking trong đó có 90% là có tài sản đảm bảo trong đó có 50% tài sản đảm bảo là bất động sản. Đối với các tài sản cho vay kinh doanh và sửa chữa nhà, nếu như thị trường BĐS giảm đến 57% mới bị ảnh hưởng, nếu chỉ giảm 30% thì vẫn hoàn toàn bình thường.

Phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong năm 2023

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ban lãnh đạo VIB đề ra mức lợi nhuận mục tiêu là 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Tổng tài sản đạt 428.500 tăng 25% so với năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng tăng từ 233.920 tỷ đồng năm 2022 lên 292.500 tỷ vào cuối năm 2023 (tăng 25% tùy thuộc chỉ tiêu NHNN giao). Huy động vốn kỳ vọng đạt 292.600 tỷ đồng, tăng 26,2%; tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 3%.

vib.png

Năm 2023 là năm thứ hai của giai đoạn 2 (2022-2026) của hành trình chuyển đổi chiến lược 10 năm 2017-2026. Trong giai đoạn này, ngân hàng sẽ tập trung vào: 1) đạt được 10 triệu khách hàng, 2) tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kép (CAGR) đạt 20-30%/năm; 3) gia tăng bền vững vốn hóa thị trường.

Để hiện thực hóa những điều này, năm 2023 Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 21.076 tỷ lên 25.368 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu, VIB dự kiến sẽ phát hành hơn 421 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7 triệu cổ phiếu thưởng cho CBCNV.

Sau khi, việc huy động vốn diễn ra thuận lợi, ngân hàng sẽ dùng 4.091 tỷ để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản; 100 tỷ đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm, nhân sự; đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh 100 tỷ.

Bầu nhân sự nhiệm kỳ IX (2023-2027)

HĐQT VIB nhiệm kỳ mới (2023-2027) có cơ cấu gồm tổng số 05 thành viên, trong đó 04 thành viên thông thường, 01 thành viên độc lập.

vib-nhan-su.png

Như vậy, dự kiến sau khi bầu cử, cơ cấu thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) mới sẽ có 4 thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ, đảm bảo sự kế thừa trong công tác quản trị của VIB, đồng thời HĐQT VIB không có thành viên là người có liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật CTCTD.

Trong danh sách đề cử, 4 thành viên HĐQT của nhiệm kỳ cũ là ông Đỗ Xuân Hoàng (thành viên HĐQT), ông Đặng Văn Sơn (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Hàn Ngọc Vũ (thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) và ông Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch HĐQT) và bà Nguyễn Thị Bích Hạnh là ứng cử viên thứ 5.

Về ban kiểm soát (BKS) VIB nhiệm kỳ cũ gồm 3 thành viên, trong đó 1 trưởng ban là bà Nguyễn Thùy Linh và 2 thành viên gồm ông Đỗ Quang Ngọc và bà Lương Thị Bích Thủy. 3 thành viên này tiếp tục ứng cử bầu thành viên BKS nhiệm kỳ IX (2023 – 2027).

Tuy nhiên, tại đại hội sáng 15/3, đại diện VIB cho biết, ngày 13/3 bà Nguyễn Thùy Linh, ứng viên bầu thành viên BKS đã có đơn xin rút khỏi danh sách bầu BKS nhiệm kỳ mới vì lý do cá nhân. Sau đó HĐQT đã thông qua việc rút khỏi danh sách của Bà Linh. Như vậy các ứng viên nhiệm kỳ mới của BKS sẽ chỉ còn 2 người. Theo điều lệ của VIB, để đảm bảo thành viên BKS phải có ít nhất 3 người, VIB sẽ bầu bổ sung thành viên BKS vào ĐHCĐ bất thường, dự kiến vào tháng 6 tới.

Bài liên quan
  • Vietnam gears up for another vibrant year at UNESCO in 2025: Ambassador
    As 2024 draws to a close with a series of “significant successes,” Vietnam is gearing up for an even more active year in 2025, Ambassador Nguyen Thi Van Anh, Vietnam’s Permanent Representative to UNESCO, told Vietnam News Agency’s correspondents in Paris, where UNESCO’s headquarters is based.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
VIB chia 15% cổ tức bằng tiền mặt, lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO