Vài năm trở lại đây đã ghi nhận một sự thay đổi rõ nét trong chương trình mua sắm quốc phòng của các quốc gia vùng Vịnh. Đó là gia tăng xu hướng mua sắm các sản phẩm quan trọng không phải do các công ty quốc phòng của Mỹ sản xuất.

Trong một bài viết mới đây, trang mạng Breaking Defense cho biết, các công ty quốc phòng Mỹ vẫn có nhiều hoạt động làm ăn tại vùng Vịnh. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2018-2022, Saudi Arabia chiếm 19% xuất khẩu vũ khí của Mỹ, Qatar chiếm 6,7%, Kuwait chiếm 4,8% và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chiếm 4,4%. Tuy nhiên, các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận, chính trong giai đoạn này, các công ty quốc phòng không phải của Mỹ đã giành được nhiều hợp đồng béo bở tại vùng Vịnh.

Theo trang mạng Breaking Defense, nhìn lại các thỏa thuận mua sắm quốc phòng quan trọng mà Saudi Arabia và UAE đã ký kể từ năm 2019 có thể thấy rõ các công ty châu Âu đang gia tăng thị phần tại vùng Vịnh. Năm ngoái, hãng đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về việc cung cấp các tàu chiến đa nhiệm cho hải quân Saudi Arabia. Pháp cũng “bước chân” vào thị trường vũ khí vùng Vịnh sau thỏa thuận hợp tác ký năm 2019 giữa Tập đoàn Naval Group với Tập đoàn công nghiệp quân sự Saudi Arabia (SAMI) về việc cung cấp các tàu hộ vệ cho hải quân Saudi Arabia.

Hãng đóng tàu Navantia (Tây Ban Nha) ký MOU về việc cung cấp các tàu chiến đa nhiệm cho hải quân Saudi Arabia, tháng 11-2022. Ảnh: navantia.es 

Cũng trong năm 2019, Tập đoàn Naval Group ký thỏa thuận cung cấp các tàu hộ vệ cho hải quân UAE. Cùng lúc đó, năng lực xuất khẩu quốc phòng gia tăng giúp Hàn Quốc giành được chỗ đứng tại thị trường vùng Vịnh. Hồi năm 2022, Saudi Arabia ký thỏa thuận trị giá gần 1 tỷ USD để mua các sản phẩm quốc phòng do Hàn Quốc sản xuất, trong số này có hệ thống phòng không M-SAM. Trước đó, vào năm 2021, UAE cũng công bố thỏa thuận mua hệ thống M-SAM của Hàn Quốc.

Có nhiều lý do khiến các quốc gia vùng Vịnh chuyển hướng mua sắm các sản phẩm quốc phòng từ các nhà cung cấp Mỹ sang nhà cung cấp khác. Theo Giáo sư Albader Alshateri thuộc Đại học Quốc phòng UAE, xu hướng hiện nay tại vùng Vịnh là “nội địa hóa” ngành công nghiệp quốc phòng và các quốc gia trong khu vực “sẽ có thêm nhiều mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài nhằm đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để tránh phụ thuộc vào một bên”.

Cùng chung quan điểm, ông Mohammed Baharoon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách công B'huth có trụ sở tại Dubai nhận định, các quốc gia vùng Vịnh “sẽ phụ thuộc lớn hơn vào sản xuất quốc phòng nội địa” và các mối quan hệ đối tác nói trên “dựa trên cơ sở chuyển giao công nghệ”. “Nhưng lý do hàng đầu là các sản phẩm quốc phòng do các nước khác sản xuất có giá thành rẻ, cạnh tranh hơn; quân đội các quốc gia vùng Vịnh muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí; các quy định của Mỹ về xuất khẩu vũ khí đôi khi quá phức tạp khiến người mua phải tìm kiếm nguồn cung khác”, ông Abdullah Syed Al Hashimi, cựu Trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng UAE nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho rằng, chính các quy định khắt khe của Mỹ về chuyển giao công nghệ quốc phòng khiến các công ty của họ tuột mất nhiều hợp đồng béo bở tại vùng Vịnh vào tay các đối thủ châu Âu và châu Á. Nói cách khác, nếu Mỹ nới lỏng quy định về xuất khẩu quốc phòng, các công ty của nước này có thể “đón nhận thêm cơn mưa tiền tại khu vực”.

Trên thực tế, trang mạng Breaking Defense cho biết, việc sẵn sàng chuyển giao công nghệ chính là yếu tố then chốt giúp Hàn Quốc thâm nhập thành công vào thị trường vũ khí vùng Vịnh. “Sự xuất hiện của những “tay chơi mới” trên thị trường vũ khí vùng Vịnh, sự gia tăng xu hướng đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa cùng những biến động chính trị tại khu vực đồng nghĩa vị thế thống trị mà các “ông lớn” của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ nắm giữ tại đây trong nhiều năm qua đang bị lung lay”, trang mạng Breaking Defense nêu rõ.

HOÀNG VŨ

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vị thế bị lung lay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO