Nguyên nhân cháy ô tô điện
Tại hội thảo khoa học Phòng cháy, chữa cháy pin Lithium-ion sử dụng trên các phương tiện giao thông, diễn ra chiều 22/3 tại trụ sở Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), Thiếu tá Vũ Hồng Linh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 200.000 xe máy, xe đạp điện cùng hàng nghìn ô tô điện đang hoạt động.
Bên cạnh những tiện ích mà loại phương tiện này mang lại, còn có những nguy cơ cháy nổ từ chính hệ thống điện, pin của xe điện.
Thiếu tá Linh thông tin, qua công tác điều tra, cảnh sát PCCC&CNCH nhận thấy các nguyên nhân làm tăng nguy cơ cháy nổ xe điện tập trung nhiều ở bộ phận pin (ắc quy) và trạm sạc của xe.
Cụ thể như sử dụng ắc quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất; lắp đặt thêm hoặc thay thế thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế; chở quá tải làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin, khi sạc điện sẽ gây hiện tượng ắc quy, pin bị phồng, có thể gây nổ.
Ngoài ra, bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại, cũng là nguyên nhân gây ra cháy nổ ở xe điện. Hoặc do mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt, có thể gây ra hiện tượng phóng điện hoặc chập điện.
"Việc thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không bảo đảm đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc quy, pin của phương tiện khi sạc cũng có thể gây chập điện hoặc nổ ắc quy, pin", Thiếu tá Linh nhấn mạnh.
Cũng theo Thiếu tá Linh, việc sạc điện không đúng hướng dẫn, sạc điện thời gian quá dài, tần suất sạc điện quá cao; sạc trong điều kiện nhiệt độ cao; sạc ngay sau khi sử dụng, ắc chưa kịp nguội tự nhiên... cũng là nguyên nhân gây nổ ắc quy, pin.
Việc vừa sạc vừa xả điện, thiết bị báo động của xe sẽ tiêu thụ điện năng, làm chức năng điều khiển của bộ sạc cảm biến sai, quá trình điều khiển tại dòng chuyển đổi không được, gây ra hiện tượng sạc không chuyển sang dòng sạc duy trì (không nhảy đèn), từ đó làm mất kiểm soát trong điều khiển của sạc, có thể gây hư hỏng, chập điện bộ sạc; đồng thời làm tăng nhiệt độ ắc quy, pin, có thể gây đoản mạch và cháy xe.
Vì sao cháy xe điện khó dập?
Phát biểu tại hội thảo, Trung tá Phạm Huy Quang, Khoa Phòng cháy, Trường Đại học PCCC cho biết, sự nguy hiểm cháy nổ của xe điện liên quan chủ yếu tới kích thước và dung lượng của các khối pin.
"Khi các khối pin có năng lượng càng lớn thì càng dễ gây ra những rủi ro về cháy. Một khi pin xe điện cháy sẽ rất khó kiểm soát. Pin Lithium-ion (pin thường sử dụng cho xe điện) cháy ở nhiệt độ cực cao, có thể kéo dài nhiều ngày và gây ra thiệt hại lớn.
Chúng có thể bùng phát trở lại ngay sau khi ngọn lửa tưởng như đã được dập tắt. Nếu không được quản lý đúng cách, cháy pin có thể thải ra khí và chất hóa học cực độc trong nhiều giờ và rất khó xử lý", Trung tá Quang nói.
Giải pháp nào để bảo đảm an toàn PCCC đối với xe điện?
Trung tá Phạm Huy Quang nhận định, xe điện là loại hình phương tiện thân thiện với môi trường, cần được khuyến khích sử dụng để thay thế dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Nhưng để bảo đảm an toàn về PCCC đối với xe điện và hạ tầng trạm sạc xe điện cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH cần tiếp tục đề xuất, xây dựng kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đối xe điện và trạm sạc xe điện.
Cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn cháy, nổ riêng cho trạm sạc xe điện, pin Lithium-ion và xe điện, bao gồm cả quá trình từ khâu sản xuất, vận chuyển, lưu kho đến sử dụng, bảo trì, với trách nhiệm thuộc về nhiều cơ quan, ban, ngành.
Hai là, lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt chẽ đầu vào xe điện cá nhân. Không cấp đăng ký, cho lưu thông xe điện không rõ nguồn gốc, chưa được thẩm định an toàn kỹ thuật đầy đủ.
Cần nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu nhằm chủ động ứng phó cũng như phòng ngừa những nguy cơ cháy, nổ đối với pin xe điện từ công đoạn sản xuất chế tạo, lưu trữ, bảo quản cho đến các công đoạn lắp đặt, vận hành, sử dụng pin xe điện.
Ba là, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cho xe điện và đánh giá, xác định các vị trí có thể lắp đặt được các trạm sạc xe điện. Có kế hoạch sử dụng điện cho từng giai đoạn, tính toán cả nhu cầu cho phương tiện cá nhân, chuẩn bị nguồn cung đầy đủ.
Đặc biệt với các khu dân cư đông người ở lại càng cần có nguồn cung ổn định, hệ thống điện an toàn. Hạn chế quá tải là biện pháp tối ưu nhất ngăn ngừa cháy nổ cho các trạm sạc xe điện.
Bốn là, đầu tư, trang bị phương tiện PCCC chuyên dụng, bao gồm hóa chất chữa cháy; trang phục, thiết bị bảo hộ như mặt nạ phòng độc, quần áo chống cháy, găng tay chống cháy, chống hóa chất... và các dụng cụ tiếp cận, tháo dỡ pin xe điện cũng như các bộ phận khác của xe để kịp thời khống chế đám cháy khi xảy ra cháy pin xe điện.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC cho người dân. Phải đưa vào công tác tuyên truyền nội dung sử dụng, ứng phó rủi ro với xe điện vào một cách chi tiết, đầy đủ.
Người sở hữu và sử dụng xe điện cần được trang bị thông tin cơ bản về những nguyên tắc an toàn đối với xe điện như: Sạc tại những trạm sạc xe điện đã được cấp phép theo quy định (tại trạm xăng, điểm dừng nghỉ, trong nhà và công trình...).
Nhận biết nguy cơ, dấu hiệu cháy, nổ xe điện; không cắm sạc qua đêm ở chung cư, ở hầm gửi xe thiếu sự giám sát cần thiết.