Theo Forbes, các công xưởng của Ukraine đang chế tạo hơn 100.000 máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) mỗi tháng cho quân đội. Con số này cho thấy có rất nhiều máy bay không người lái (UAV) đã được sản xuất. Mỗi UAV chỉ nặng vài kg và thường mang theo đầu đạn chỉ nặng khoảng vài trăm gram.
Mặc dù 100.000 UAV có thể chứa nhiều chất nổ, nhưng đây không phải loại vũ khí có hỏa lực quá mạnh. FPV có thể là mối nguy hiểm đối với bộ binh, nhưng xe bọc thép có thể né được đòn tấn công UAV này và tiếp tục chiến đấu.
Tuy nhiên, tình hình dường như đang thay đổi. Các đội bay không người lái của Ukraine dường như đã tìm ra cách để tăng cường khả năng phát nổ của FPV. Trường hợp xe tăng T-80 của Nga gần đây đã bị FPV phá hủy khi tiến về phía phòng tuyến của Ukraine ở tỉnh Donetsk đã chứng minh điều đó.
Sau khi một UAV trinh sát của Lữ đoàn cơ giới 47 của quân đội Ukraine quan sát từ trên cao, một chiếc FPV đã lao về phía xe tăng T-80 nặng 46 tấn, rồi quay lại. Điều đáng chú ý là trong trường hợp này, xe bọc thép của Nga được trang bị thêm giáp và thiết bị chống UAV.
Thông thường, một cuộc tấn công của FPV vào xe tăng sẽ chỉ gây thiệt hại nhỏ. Tuy nhiên, lần này, chiếc T-80 đã phát nổ, tạo thành một quả cầu lửa lớn tách tháp pháo ra khỏi thân xe tăng và thiêu rụi xe bọc thép.
Câu hỏi đặt ra là liệu đội bay FPV của Ukraine có gặp may không? Hay có công nghệ mới nào đang hoạt động?
Chuyên gia quân sự Trent Telenko nhận định: "Tôi bắt đầu tự hỏi liệu các nhà chế tạo FPV của Ukraine có lấy ý tưởng từ RBS-56 của Thụy Điển hay không".
RBS-56 là tên lửa chống tăng do công ty Bofors của Thụy Điển thiết kế. Tên lửa mang đầu đạn nặng hơn 11kg, được kích hoạt bởi các cảm biến ở mặt dưới tên lửa, phát nổ hướng xuống thay vì hướng về phía trước. Phương pháp tấn công từ trên xuống này nhắm vào lớp giáp mỏng ở phía trên xe tăng.
UAV FPV làm nổ tung xe tăng T-80 của Nga dường như đã xuyên qua thân xe tăng từ trên cao và đâm vào kho đạn của nó, gây ra một vụ nổ thứ cấp tàn khốc.
"Một thay đổi đơn giản lại khiến FPV trở nên nguy hiểm hơn nhiều", chuyên gia Telenko bình luận.
Ukraine đã nhận được từ các đồng minh nước ngoài hàng nghìn tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo. NLAW nặng hơn 12kg, giống như RBS-56, là một sản phẩm của Bofors, và mượn đầu đạn nổ hướng xuống của RBS-56.
Theo chuyên gia vũ khí Matthew Moss, có ít nhất một video lan truyền trên mạng xã hội mô tả quân đội Ukraine tháo tên lửa khỏi bệ phóng NLAW bị hư hại, "dường như để sử dụng đầu đạn trong một chiếc FPV".
"Việc kết hợp một chiếc FPV với đầu đạn NLAW rất thú vị", chuyên gia Moss nhận định.
Quân đội Ukraine có thể không cần phải tháo các tên lửa NLAW được viện trợ để cung cấp cho đội máy bay không người lái những đầu đạn phóng từ trên xuống. Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine hoàn toàn có khả năng sản xuất loại đạn dược này.