Đối với một số trẻ, tuổi dậy thì là giai đoạn vô cùng khó khăn bởi ngoài phát triển về thể chất, trẻ còn trải qua quá trình trưởng thành về tâm lý xã hội một cách nhanh chóng. Trong khoảng thời gian này, trẻ có xu hướng xa lánh gia đình và kết nối nhiều hơn với bạn bè đồng trang lứa.
Khoảng thời gian dậy thì, trẻ có thể sống thu mình, tâm trạng thất thường và những thay đổi hành vi khác. Đây được cho là giai đoạn phát triển bình thường. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong một số trường hợp, những thay đổi ở tuổi dậy thì có thể gây ra trầm cảm.
Tần suất trầm cảm tuổi dậy thì
Theo nghiên cứu của Viện Nhi khoa Mỹ, ước tính có 2% trẻ dưới 10 tuổi bị trầm cảm. Ở độ tuổi từ 10 đến 14 (độ tuổi trung bình của dậy thì), tỷ lệ trầm cảm tăng 5 - 8%. Trước tuổi dậy thì, tỷ lệ trầm cảm ở trẻ nam cao hơn trẻ nữ. Nhưng trong độ tuổi dậy thì, tỷ lệ trầm cảm ở trẻ nữ tăng gấp đôi.
Dấu hiệu trầm cảm tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là giai đoạn duy nhất những thay đổi về ngoại hình và hành vi diễn ra một cách tự nhiên. Do đó, cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu trầm cảm, bởi điều này có thể khó phân biệt với những thay đổi bình thường của dậy thì.
Tính cách thất thường, tách biệt khỏi cha mẹ và thân thiết với bạn bè cùng trang lứa là những hành vi phổ biến ở tuổi dậy thì.
Các triệu chứng cảnh báo trầm cảm bao gồm:
- Có suy nghĩ tự làm hại bản thân
- Không muốn đến trường
- Học hành sa sút
- Có hành động, việc làm bất chấp rủi ro
- Buồn dai dẳng, tâm trạng không tốt, không còn hứng thú làm những việc yêu thích
- Có cảm giác tội lỗi quá mức
- Khóc mà không rõ lý do
- Cảm thấy bị hiểu lầm
- Bám riết bố mẹ hoặc lo sợ bố mẹ sẽ chết
- Khó ngủ
- Mệt mỏi không rõ lý do
- Cân nặng thay đổi đột ngột
- Khó tập trung
Chuyên gia khuyên cha mẹ hãy nghiêm túc chú ý, xem xét các dấu hiệu trên; không bao giờ được xem nhẹ, phớt lờ các dấu hiệu, đặc biệt là khi con đang bộc lộ ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc tự tử.
Tại sao tâm tính bất thường, trầm cảm lại gia tăng ở tuổi dậy thì?
Thay đổi nội tiết tố: Estrogen – một loại hormone sinh dục nữ - có liên quan đến chứng trầm cảm. Mức độ estrogen tăng đột biến ở trẻ nữ trong độ tuổi dậy thì có thể góp phần làm tăng tỷ lệ trầm cảm. Ngược lại, testosterone - hormone sinh dục nam - tăng lên ở các trẻ nam trong tuổi dậy thì lại không liên quan đến chứng trầm cảm.
Thời điểm bắt đầu dậy thì: Giai đoạn này có thể tác động đến tỷ lệ trầm cảm: trẻ em “phát triển sớm” hoặc “phát triển muộn” có thể biểu hiện các triệu chứng trầm cảm nhiều hơn so với những trẻ cảm thấy chúng phát triển cùng thời điểm với bạn bè đồng trang lứa.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy ngực phát triển sớm có liên quan đến nguy cơ mắc triệu chứng trầm cảm cao hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu điều này có liên quan đến tác động hormone hay tác động của áp lực xã hội hay không.
Áp lực, căng thẳng trong cuộc sống: Ở tuổi dậy thì, việc học tập và các mối quan hệ xã hội trở nên phức tạp và khắt khe hơn, có thể gây ra căng thẳng. Một số trẻ em bị trầm cảm do tác động của các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống.
Cách giải quyết
Nghiên cứu cho thấy, trẻ bị trầm cảm nhẹ thường có thể điều trị thành công bằng sự chăm sóc và theo dõi triệu chứng. Đối với các trường hợp trầm cảm từ trung bình đến nặng xảy ra ở giai đoạn dậy thì, có thể điều trị bằng thuốc chống trầm cảm kết hợp liệu pháp tâm lý.
Hai liệu pháp tâm lý có thể hiệu quả trong việc điều trị rối loạn trầm cảm ở thanh thiếu niên và trẻ em:
Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT): cách tiếp cận này tập trung vào việc xác định và thay đổi nhận thức, hành vi có liên quan đến chu kỳ trầm cảm.
Liệu pháp giữa các cá nhân (IPT): tập trung vào việc xác định các vấn đề của mối quan hệ và giải quyết xung đột đó. Các mối quan hệ không tốt hoặc việc kết thúc các mối quan hệ quan trọng (ví dụ chia tay hoặc cha mẹ ly hôn) có thể góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm.
Cần cẩn trọng và theo dõi sát sao khi trẻ em, trẻ vị thành niên uống thuốc chống trầm cảm, vì những thuốc này có thể làm tăng nguy cơ tự tử. Giáo dục là bước rất quan trọng giúp thanh thiếu niên hiểu được nguy cơ tiềm ẩn và phát hiện các dấu hiệu muốn tự tử.