Vì sao trẻ ngày càng dậy thì sớm? Cha mẹ phải hiểu để tránh hoang mang

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 04/04/2022 16:49

Những năm gần đây, số trường hợp trẻ dậy thì sớm, ở cả trẻ nam và nữ, đang có xu hướng gia tăng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất của trẻ.

goi-kham-phat-hien-day-thi-som-1.jpeg
Nhiều trẻ có xu hướng dậy thì sớm cần phải được can thiệp - Ảnh: Internet

Dậy thì vào 6-7 tuổi

TS.BS Bùi Phương Thảo - Phó Trưởng khoa nội tiết - chuyển hóa - di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết dậy thì được coi là sớm nếu khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.

Tỷ lệ bé gái dậy thì sớm cao gấp 10 lần so với bé trai và thường gặp ở thành thị hơn nông thôn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ mới 6 - 7 tuổi đã có dấu hiệu dậy thì.

Dậy thì sớm có 2 loại gồm dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương. Trong đó, dậy thì sớm trung ương là nhóm thường gặp nhất do sự bài tiết quá mức hormone sinh dục từ trên não (hạ đồi - tuyến yên). Nguyên nhân dậy thì sớm của nhóm này đa số lại là vô căn (nhất là bé gái), tức là không có nguyên nhân thực thể gây ra dậy thì sớm.

Còn dậy thì sớm ngoại biên ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Thường liên quan đến bướu buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận…

Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra biến đổi này. Trong số đó phải kể đến u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp.

Những trẻ càng béo càng có nguy cơ dậy thì sớm. Một nguyên nhân khác cần được chú ý là các chất khiến hormone trong cơ thể gia tăng được đưa vào cơ thể từ bên ngoài qua thức ăn, đồ nhựa…

"Hơn một nửa số trẻ em mắc bệnh dậy thì sớm đều có chiều cao không quá 150cm. Đặc biệt, ở trẻ dậy thì trung ương, bé gái sẽ có chiều cao thấp hơn 12cm, bé trai thấp hơn 20cm so với bạn bè cùng trang lứa khi trưởng thành" , BS Thảo cho hay.

Dấu hiệu nào nhận biết?

TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - Phòng khám Nhi-Tiêm ngừa - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - chia sẻ, dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát trước 8 tuổi ở nữ và trước 9 tuổi ở nam.

Ở nữ, các đặc tính sinh dục thứ phát là phát triển ngực, nổi mụn, mọc lông nách, lông mu hay có kinh nguyệt. Trẻ có kinh trước 9 tuổi rưỡi cũng gọi là dậy thì sớm.

Ở nam, trẻ sẽ phát triển tinh hoàn, dương vật, mọc lông nách, lông mu, nổi mụn, phát triển các khối cơ, vỡ giọng... Các trẻ dậy thì sớm thường phát triển chiều cao nhanh.

day-thi-som-o-tre.jpeg
Trẻ dậy thì sớm sẽ có chiều cao phát triển nhanh - Ảnh: Internet

Dậy thì sớm ngày càng phổ biến

BS CKII Hoàng Ngọc Quý - Trưởng Khoa thận - Nội tiết - Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, dậy thì sớm hiện ngày càng phổ biến. Tuổi khởi phát dậy thì có khuynh hướng ngày càng sớm so với các thế hệ trước đây. Từ lúc xuất hiện triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục thứ phát hiện diện đầy đủ, ở nữ là 10,5- 11 tuổi, ở nam là 11,5-12 tuổi.

Dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì sớm quá sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình. Không phải tất cả trường hợp dậy thì sớm đều có chỉ định điều trị với thuốc Triptoreline.

Việc dùng thuốc Triptoreline còn phải tùy vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng. Vì đa số nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái là từ nguyên nhân vô căn nên không ít trường hợp chính gia đình quyết định không can thiệp điều trị (sau khi được bác sĩ tư vấn đầy đủ), muốn để trẻ phát triển tự nhiên mà không can thiệp bằng thuốc từ bên ngoài đưa vào cơ thể.

Cũng theo BS Quý, điều trị dậy thì sớm trung ương thực chất là muốn làm chậm lại quá trình dậy thì, chờ cho "đủ tuổi" để dậy thì "đúng quy trình". Thực tế cho thấy không ít trường hợp các bậc cha mẹ chỉ muốn biết rõ cơ thể con họ có bị bệnh bất thường gì không mà thôi và không có nhu cầu làm chậm quá trình dậy thì sớm đó.

Đã có trường hợp chính bản thân trẻ và phụ huynh sau một thời gian được tư vấn đã không còn lo lắng về triệu chứng dậy thì sớm, nên xin ngưng điều trị và được sự đồng ý của bác sĩ.

Cũng cần nói rõ thêm là trong quá trình điều trị vì lý do nào đó mà không thể chích thuốc đúng ngày (lễ, Tết, thi học kỳ, gia đình có việc quan trọng, hết thuốc…) thì việc chích chậm trễ 1 vài tuần, người nhà không nên quá lo lắng, vì sự gián đoạn này hoàn toàn không ảnh hưởng quá trình điều trị trước đó và tiếp theo về sau.

Bài liên quan
  • 41 triệu mũi tiêm sai thông tin có nguy cơ không được cấp hộ chiếu vaccine
    Trong số 154 triệu mũi vaccine COVID-19 gửi sang đã xác thực đúng thông tin được hơn 112 triệu mũi tiêm, còn lại hơn 41 triệu mũi tiêm xác thực sai thông tin. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo xử lý các vấn đề nêu trên nhưng kết quả thực hiện, xử lý chưa được cao và hoàn thành đúng tiến độ.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao trẻ ngày càng dậy thì sớm? Cha mẹ phải hiểu để tránh hoang mang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO