“Sạp của tôi rộng có 2,95 m2, giá thuê hiện tại là 3.534.000 đồng/tháng. Ngày 1/7 giá sẽ tăng lên 5,85 triệu đồng, đến năm 2023 tăng lên 7,8 triệu đồng, tức là tăng hơn 120% sau một năm. Tăng khủng khiếp như vậy thì tiểu thương buôn bán kiểu gì để mà trả?” - bà Lưu Hữu Trân, tiểu thương tại chợ Đại Quang Minh, quận 5 nói với Zing.
TTTM Đại Quang Minh (thường được gọi là chợ) là nơi bán nguyên phụ liệu ngành may mặc lớn nhất tại TP.HCM. Mới đây, 138/150 tiểu thương đã làm đơn xin tạm ngừng kinh doanh gửi lên Chi cục thuế quận 5 do có nhiều khúc mắc với công ty Satraseco - đơn vị quản lý chợ Đại Quang Minh.
Tăng giá 50-130%
Theo các tiểu thương, gần cuối tháng 3, Công ty cổ phần Thương Mại Dịch vụ Sài Gòn (Satraseco) đã đơn phương gửi thông báo tăng 50-130% giá thuê sạp. Việc tăng giá chia thành 2 giai đoạn là 6 tháng cuối năm và đầu năm 2023. Ngoài ra, công ty còn yêu cầu tiểu thương đặt cọc 3 tháng tiền ký quỹ (tiền cọc). Nếu không thực hiện theo thông báo trên, sau ngày 31/5, công ty sẽ thu lại mặt bằng.
Các tiểu thương viết đơn và treo bảng ở nơi kinh doanh yêu cầu Satraseco không tăng tiền thuê sạp. Ngoài ra, họ cũng mong muốn được ký hợp đồng 2 năm, tiền thuê tăng từng năm phải phù hợp với điều kiện kinh doanh.
Tiểu thương ở chợ Đại Quang Minh treo bảng phản đối công ty Satraseco. Ảnh: Diệu Thanh. |
Điều khiến các tiểu thương bức xúc là giá tăng quá cao và cách làm việc với tiểu thương của Satraseco.
Bà Trân cho biết tiểu thương không phản đối việc tăng giá. Tuy nhiên, họ mong muốn việc tăng giá phải hợp lý với thời gian ký hợp đồng lâu dài để tiểu thương yên tâm kinh doanh.
“Vào năm 2018-2020, giá thuê từng tăng 30%. Tuy nhiên, hợp đồng được ký trong 3 năm cùng cam kết không tăng giá nên chúng tôi đồng ý. Bây giờ tăng tới 120%, làm sao chúng tôi trả nổi trong khi tình hình kinh doanh ế ẩm sau dịch Covid-19?”.
Ngoài ra, bà Trân cũng phản ánh về việc khu chợ từng có 3 nhà vệ sinh, khu cất đồ phòng cháy chữa cháy nhưng hiện tại chỉ có một nhà vệ sinh, không có chỗ để xe, cơ sở hạ tầng xuống cấp…
Ông Nguyễn Hải Cường, một tiểu thương khác tại chợ phản ánh gần đây, công ty Satraseco đã treo biển với nội dung: “Cho thuê lại hoặc tự ý sang nhượng quầy sạp tại TTTM Đại Quang Minh là bất hợp pháp, sẽ bị thu hồi”.
Tấm biển mới được công ty Satraseco treo ở chợ Đại Quang Minh. Ảnh: Diệu Thanh. |
Ông Lê Văn Cường, đại diện nhóm tiểu thương ở chợ Đại Quang Minh cho biết Satraseco chỉ chấp nhận làm việc với từng tiểu thương chứ không chịu tiếp chung. Trong khi tiểu thương ở đây mong muốn được đối thoại tập thể.
Ông Cường cũng chia sẻ thêm rằng giai đoạn năm 1990, để có sạp buôn bán, họ phải đóng góp 12 cây vàng, tương đương với một căn nhà ở thời điểm đó.
“Khi công ty cổ phần hoá vào năm 2003, chúng tôi đã bị gạt ra ngoài. Là những người đồng sở hữu, chúng tôi phải được chia quyền cổ đông, có cổ phần và được hưởng cổ tức", ông Cường nói với Zing.
Satraseco nói "không muốn đối đầu"
Chia sẻ với Zing, ông Phạm Thế Hanh, Tổng giám đốc Satraseco cho biết việc tăng giá là phù hợp với mặt bằng chung của thị trường, trên cơ sở diện tích và hệ số K (hệ số về vị thế, vị trí đắc địa của từng sạp).
Theo ông, công ty Satraseco đã tiến hành khảo sát giá ở các địa điểm cho thuê trong khu vực và đưa ra mức tăng phù hợp.
“Tăng 100% nghe có vẻ lớn nhưng con số chỉ khoảng một vài triệu đồng. Số tiền này không lớn so với doanh thu hàng tháng vài trăm triệu của tiểu thương. Đây chính là những người được hưởng lợi nhiều nhất trong suốt thời gian qua nên họ là những người chống đối quyết liệt nhất và lôi kéo, ngăn cản các tiểu thương khác tiếp xúc, tái ký hợp đồng với công ty", ông Hanh nói và cho biết thêm, Satraseco là chủ sở hữu hợp pháp đối với Trung tâm TMDV Đại Quang Minh, bao gồm quyền sở hữu đất đai và các tài sản trên đất. Do vậy, công ty có quyền quyết định đối với việc cho thuê mặt bằng tại đây.
Với những tiểu thương tuyên bố từng đóng góp số tiền lớn và được quyền đồng sở hữu sạp tại chợ, ông Hanh cho biết trước khi cổ phần hoá, đây là tài sản của nhà nước. Nếu tiểu thương có giấy tờ chứng minh mình có quyền sở hữu, công ty sẵn sàng hỗ trợ giải quyết các vấn đề khúc mắc.
Nói về vấn đề đặt cọc 3 tháng, giám đốc của Satraseco cho rằng đây là biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo tiểu thương thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong quá trình thuê.
Về việc ký hợp đồng ngắn hạn, ông khẳng định đây là biện pháp cần thiết để tránh tình trạng tiểu thương cho thuê lại/sang nhượng quầy sạp trái với quy định của hợp đồng.
Trả lời câu hỏi liệu giá cho thuê có tiếp tục tăng cao sau năm 2023, ông Hanh cho biết: “Điều này tuỳ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, khi giá thuê được điều chỉnh đúng mức thì chúng tôi cũng không thể tăng cao hơn được".
Ông Hanh nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn mong muốn được đối thoại với các tiểu thương và không muốn đối đầu, để tránh mâu thuẫn”.
Chia sẻ với Zing, vị giám đốc này khẳng định việc đối thoại với từng tiểu thương là hợp lý vì việc giao kết hợp đồng của công ty là với từng cá nhân, tổ chức riêng lẻ. Việc tiếp xúc, đối thoại với nhiều người, có quyền lợi khác nhau, cùng một lúc sẽ không mang lại hiệu quả cho các bên.
"Nhiều tiểu thương cho rằng các quầy sạp đương nhiên thuộc quyền sở hữu của mình, do đó đã tự ý tiến hành sang nhượng, cho thuê lại với giá hàng tỷ đồng, đối với các quầy sạp trên mà không thông qua công ty. Do đó, vì lợi ích cá nhân một số tiểu thương đã không tiến hành đối thoại, gây khó khăn, cản trở", ông Hanh nói.
Trao đổi về vụ việc này, ông Võ Thành Tới, Chủ tịch UBND phường 14, quận 5 cho rằng Công ty Satraseco đã cổ phần hóa, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, nên phường chỉ đứng ra mời đại diện doanh nghiệp đến làm việc 3 lần và tiếp xúc với đại diện tiểu thương 2 lần.
"Quan điểm của phường đây là mối quan hệ dân sự, nên chúng tôi chỉ là cầu nối để công ty và tiểu thương thỏa thuận các nội dung hợp đồng, từ đó có tiếng nói chung", ông Tới nói.
Theo zingnews.vn