Hôm qua, Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết liên quan tới vụ lùm xùm giải Super League. Theo đó, Super League có thể được tổ chức, trong khi UEFA và FIFA vi phạm luật pháp EU.
Đây là siêu giải đấu được giới thiệu lần đầu vào năm 2021, dẫn đầu bởi Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid. Có 12 CLB sáng lập gồm Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, Inter, AC Milan, Juventus, Man Utd, Liverpool, Arsenal, Chelsea, Tottenham và Man City.
Giải đấu được lập ra với mục tiêu cạnh tranh với các giải đấu của UEFA, giảm bớt tính độc quyền của cơ quan này và phân chia lại tiền thưởng xứng đáng hơn cho các đội bóng lớn. Giải đấu gồm ba hạng đấu. Trong đó, Star League và Gold League mỗi hạng 16 đội, còn Blue League gồm 32 đội.
Tuy nhiên, sau phán quyết của ECJ, có vẻ như chỉ có Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez, và Barcelona (đội bóng đang ngập trong nợ nần) cảm thấy vui mừng. Còn lại, hầu hết các CLB hàng đầu châu Âu đều không ủng hộ.
Đặc biệt, 6 CLB ở giải Ngoại hạng Anh (hứa hẹn sẽ tạo ra doanh thu lớn cho giải đấu) là Man Utd, Liverpool, Arsenal, Chelsea, Tottenham và Man City đều không quá mặn mà. Trong quá khứ, họ đồng loạt rút lui khỏi giải đấu này vì sự phản đối gay gắt từ những người hâm mộ cũng như các bên liên quan.
Điều quan trọng, họ chưa chắc hy sinh quyền lợi để chống đối. Giải Ngoại hạng Anh vừa công bố một thỏa thuận bản quyền truyền hình trong nước mới trị giá 6,7 tỷ bảng. Có thể, họ sẽ quy định thỏa thuận nghiêm ngặt với từng đội bóng tham dự Super League, giải đấu không được UEFA và FIFA chấp nhận.
Cơ quan quản lý độc lập mới của giải đấu ở Anh cũng đã đặt ra các quy định cấm các CLB tham gia các giải đấu không được phép. Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh sẵn sàng phạt điểm và tiền rất nặng nếu như bất kỳ CLB nào ở giải đấu này có ý định tham dự Super League.
Tình hình tương tự cũng xuất hiện ở giải Serie A khi Inter Milan, AC Milan và Juventus từng buộc phải tuyên bố rút lui trong bối cảnh sự phản đối tăng lên tới đỉnh điểm. Ở La Liga, Atletico Madrid cũng không đứng về phe của Real Madrid và Barcelona.
Ngay sau khi Super League thắng kiện, Man Utd đã đưa ra tuyên bố: "Quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Man Utd cam kết tham gia các giải đấu của UEFA.
Chúng tôi sẽ hợp tác với UEFA, Premier League và các CLB khác thông qua ECA (Hiệp hội các Câu lạc bộ châu Âu) để thúc đẩy sự phát triển liên tục của bóng đá châu Âu".
Tiếp đó, Man City, Chelsea, Tottenham cùng đồng loạt có tuyên bố đứng về phía UEFA.
Do đó, Super League chỉ tồn tại trên giấy nếu thiếu vắng quá nhiều đội bóng mạnh ở châu Âu. Về cơ bản, giải Super League không có tính chính danh nên rất khó nhận được sự ủng hộ từ người hâm mộ.
Hai CLB Barcelona và Real Madrid xem ra đơn độc khi đối đầu với UEFA và FIFA.