Số vụ cha mẹ tự tử sau khi sát hại con ruột đang gia tăng ở Hàn Quốc và trở thành vấn nạn đáng báo động trong xã hội, khiến các chuyên gia hối thúc chính phủ thiết lập mạng lưới an toàn để bảo vệ những gia đình dễ bị tổn thương.
Hồi cuối tháng Sáu, một gia đình 3 người được tìm thấy đã tử vong bên trong chiếc ô tô lao xuống vùng biển ở huyện Wando thuộc tỉnh Nam Jeolla. Điều tra của cảnh sát phát hiện có thuốc ngủ trong cơ thể các nạn nhân. Phía cảnh sát kết luận người bố và người mẹ đã tự tử sau khi sát hại con gái 10 tuổi. Cơ quan chức năng xác định gia đình 3 người sinh sống ở thành phố Gwangju và đang gặp khó khăn tài chính.
Ba người trong một gia đình ở Hàn Quốc được phát hiện cùng tử vong trong chiếc ô tô lao xuống biển. (Ảnh: Newsis) |
Hay như ngày 25/7, một tòa án quận ở thành phố Seoul đã tuyên án 20 năm tù đối với nữ bị cáo (44 tuổi) và 10 năm cấm xin làm những công việc liên quan tới trẻ em, sau khi người này sát hại 2 người con trai mới 9 và 10 tuổi. Vụ án mạng xảy ra ở quận Geumcheon vào tháng 4/2021.
Rơi vào tình cảnh khó khăn tài chính do khoản nợ lớn của người chồng, người phụ nữ đã sát hại 2 con nhỏ và cố gắng tự tử 3 lần. Cuối cùng, người phụ nữ tự thú với cảnh sát sau 2 ngày ra tay đoạt mạng 2 con ruột.
Korea Times đưa tin, số vụ cha mẹ tự tử sau khi sát hại con ruột hiện chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số vụ tự sát ở Hàn Quốc. Theo số liệu thống kế từ năm 2013 – 2017, có 269 vụ cha mẹ tự tử sau khi giết con, chiếm 0,44% trong tổng số vụ tử tử ở Hàn Quốc trong cùng giai đoạn. Con số này tương đương với tỷ lệ 0,11/100.000 người ở Hàn Quốc.
Việc so sánh tỷ lệ cha mẹ tử tự sau khi sát hại con ruột giữa các quốc gia là rất khó, bởi chỉ ít quốc gia thực hiện thống kê vấn đề này.
Như KBS đưa tin, Hà Lan đã cho thống kế số vụ cha mẹ tự tử sau khi sát hại con và tỷ lệ này là 0,05/100.000 người dân. Từ đây có thể thấy vấn nạn tự tử sau khi sát hại ở Hàn Quốc trầm trọng hơn rất nhiều.
Ngoài ra, số liệu của Viện Tội phạm học và Tư pháp Hàn Quốc cũng cho thấy số vụ giết người rồi tự sát bao gồm các trường hợp có ý định tự tử từ năm 2000 – 2019 là 426 vụ. Trong số này, 58% vụ án có nạn nhân là vợ/chồng hoặc con của kẻ giết người.
Vấn nạn tự tử sau khi giết người trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm lớn sau khi các chuyên gia chỉ ra rằng chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa chú trọng thống kê các vụ án này, và cũng chưa có các biện pháp ngăn chặn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hành vi trên là tình cảnh khó khăn tài chính nghiêm trọng. Nhiều cặp vợ chồng không thể chịu được suy nghĩ con cái của họ bơ vơ hoặc không có ai giúp đỡ sau khi bố mẹ qua đời.
Ngoài ra, việc các tòa án Hàn Quốc đưa ra mức án nhẹ hơn so với tội giết người với những bị cáo là bố mẹ giết hại con ruột cũng được cho là nguyên nhân khiến số vụ cha mẹ tự tử sau khi sát hại con gia tăng.
Trong vòng 10 năm qua, 29 đối tượng ở Hàn Quốc bị buộc tội giết hại con ruột và cố ý tự sát. Chỉ 5 đối tượng nhận bản án được cho là “nặng” với mức phạt từ 16 năm tù. Còn 4 đối tượng khác được hưởng án treo.
Các tòa án ở Hàn Quốc xem “lời hối hận” của những người làm cha làm mẹ là lý do để giảm án. Nhưng theo giới chuyên gia, lối suy nghĩ này của các thẩm phán đã tạo ra vấn đề, bởi họ dường như đang nghiêng về phía kẻ giết người hơn là các nạn nhân.
Thêm vào đó, suy nghĩ con cái là “tài sản” của cha mẹ trong xã hội Hàn Quốc cũng bị xem là lý do khiến số vụ cha mẹ sát hại con sau đó tự tử có chiều hướng gia tăng ở nước này.
“Bố mẹ dù đang ở trong tình huống tuyệt vọng như thế nào cũng không có quyền kiểm soát cuộc sống của con trẻ. Vấn đề mấu chốt là họ không xem con cái là một thực thể sống độc lập”, một quan chức thuộc tổ chức phi chính phủ Save the Children nhấn mạnh.
Cũng theo vị quan chức, như ở các nước tiên tiến, những vụ án sát hại trẻ em ngoài việc bị xử lý nghiêm khắc, các biện pháp ngăn chặn cũng được chủ động xây dựng và ban hành.
“Chúng ta cần bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu về những trường hợp tử vong như thế này để tạo cơ sở thành lập mạng lưới an toàn bảo vệ trẻ em”, quan chức của Save the Children cho hay.
Minh Thu (lược dịch)