Theo một nghiên cứu mới, mặc dù không thiếu các mối đe dọa và nguy hiểm do biến đổi khí hậu gây ra, nhưng chúng ta vẫn có thêm một điều khác trong danh sách: Đó là rắn cắn.
Cụ thể: Khi thời tiết ấm hơn sẽ khiến rắn độc hoạt động mạnh hơn, và dễ cắn người. Nghiên cứu được thực hiện ở Georgia, Mỹ, nơi có tổng cộng 17 loại rắn độc. Theo đó, trung bình mỗi độ C tăng lên, tỷ lệ rắn cắn tăng gần 6%.
Lý giải cho điều này, nhà khoa học môi trường Noah Scovronick đến từ Đại học Emory cho rằng, loài rắn có sự thích ứng mạnh mẽ với thay đổi thời tiết theo mùa.
Chúng dễ dàng đi vào trạng thái giống như ngủ đông khi thời tiết trở nên lạnh lẽo. Tuy nhiên khi không còn lạnh nữa, chúng sẵn sàng bỏ thói quen này, và sinh sôi mạnh mẽ.
Scovronick và nhóm nghiên cứu đã xem xét tổng số 3.908 lượt nhập viện liên quan đến rắn độc cắn, từ năm 2014 đến 2020. Những lần nhập viện này được đối chiếu chéo với thời tiết mỗi ngày, bao gồm các thông số như nhiệt độ và lượng mưa.
Họ nhận thấy rằng mặc dù mùa hè có tổng số vụ rắn cắn cao nhất, nhưng mùa xuân lại xảy ra nhiều vết cắn nguy hiểm hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể nhiệt độ mùa hè cao hơn khiến rắn trở nên chậm chạp hơn, và từ đó ít nguy hiểm hơn. Dẫu vậy, một khi độc tố của rắn tiếp xúc với cơ thể, chúng ta sẽ gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rắn cắn gây ra hơn 5 triệu ca cấp cứu, và 138.000 ca tử vong mỗi năm. Nọc độc từ rắn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, khiến nạn nhân thậm chí phải cắt cụt các chi và để lại nhiều khuyết tật vĩnh viễn.
Ở một góc độ khác, nhà bò sát học Lawrence Wilson lại cho rằng rắn và người có thể chung sống với nhau, kể cả rắn độc. "Để đạt được điều này, chúng ta cần tôn trọng và hiểu môi trường sống cũng như nhu cầu của chúng", Wilson cho biết.
"Yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu những cuộc đụng độ với rắn là giáo dục: Hãy hiểu môi trường sống mà rắn ưa thích, và học cách làm thế nào khi đối mặt với chúng".