Những năm qua, điện ảnh Việt chứng kiến “cú ngã ngựa” của nhiều dự án. Tuy nhiên, không phải phim nào có doanh thu thấp cũng đồng nghĩa với chất lượng tệ.

Theo số liệu của Box Office Vietnam – đơn vị quan sát phòng vé độc lập, có đến 54 phim Việt rơi vào tình trạng thua lỗ trong suốt giai đoạn 2019-2021. Tình hình năm nay cũng không khá khẩm hơn mà còn có dấu hiệu đi xuống. Tính đến hiện tại, lượng phim Việt đạt doanh thu tốt trong năm 2022 chưa đến con số 10, không có dự án nào vượt mốc "trăm tỷ". Các tác phẩm còn lại đều rơi vào trường hợp ế ẩm khi ra rạp, thậm chí lỗ nặng vì vốn đầu tư quá nhiều.

Nguyên nhân khiến phim Việt giãy chết

Các nhà sản xuất lẫn giới làm phim có nhiều ý kiến khác nhau để giải thích cho thực trạng này. Phần lớn cho rằng điện ảnh nước nhà chưa thực sự hồi phục sau đại dịch. Sự cạnh tranh gay gắt từ phim ngoại, cộng thêm việc phải dời lịch nhiều lần là những nguyên nhân khiến nhiều phim Việt “giãy chết”.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nhận xét các tác phẩm nội địa thua lỗ là vì quá dở, thậm chí ở mức “thảm họa” khiến khán giả quay lưng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải lúc nào doanh thu cũng tỷ lệ thuận với chất lượng. Nhiều phim Việt được đầu tư chỉn chu về nội dung lẫn hình thức nhưng vẫn chưa thể tiếp cận số đông khán giả khi ra rạp.

iioqyickr1zgplddmmp-zsdr6m-eb0ziknlohksgkqajl-xgeepbnhgfbkfalgv8poegrcqkr3p5gx1ackiqmcwbsnmwckoeleqxqkprszkoxhy1avn6dsq-9066.jpg
578: Phát đạn của kẻ điên là dự án đầu tư kinh phí lên đến 60 tỷ đồng nhưng lỗ nặng khi ra rạp.

Năm nay, một trong những phim chất lượng nhưng thua lỗ là Maika – cô bé đến từ hành tinh khác (Hàm Trần đạo diễn). Theo đánh giá của giới chuyên môn, tác phẩm có kịch bản tốt, cách dẫn dắt câu chuyện chắc chắn và diễn xuất tự nhiên. Trong đó, diễn viên nhí Lại Trường Phú (sinh năm 2012) vừa thắng hạng mục Nam chính xuất sắc, Chu Diệp Anh (sinh năm 2011) được đề cử Nữ chính xuất sắc tại giải Cánh diều Vàng 2021.

Đáng tiếc, tác phẩm có kinh phí lên đến 30 tỷ đồng, là một trong những dự án được đầu tư nhất năm nay nhưng chỉ thu về 6,4 tỷ đồng phòng vé. Có thể tạm giải thích vì phim thuộc thể loại thiếu nhi, lại không có gương mặt ngôi sao nên chưa thể hút khách. Ra rạp đúng dịp lễ 1/6, tác phẩm còn chịu sự cạnh tranh gay gắt của nhiều phim ngoại nổi tiếng như Doraemon: Nobita Và Cuộc Chiến Vũ Trụ Tí Hon, Chuyến phiêu lưu của Pil, Đại náo Cung Trăng

mehkypwl1zt-vjekwcx0rjcirio7ovtzupyvxzg-gq7etlq3dv0uw2r-7rthldwxdrzkgr-mdkwoug5j192b3ymgnfwttiqj5rnhks39fuvajeqypbs7z0w-5259.jpg
Nhiều nguyên nhân khiến Maika – cô bé đến từ hành tinh khác thua lỗ, nhưng chắc chắn không phải vì chất lượng thấp.

Một trường hợp khác là Vô diện sát nhân (Đinh Công Hiếu đạo diễn). Dự án khởi quay từ năm 2019 nhưng bị dời lịch chiếu đến tận năm nay. Đến khi ra rạp, tác phẩm gặp nhiều thuận lợi vì không có nhiều đối thủ cạnh tranh, lại thêm phần quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên, phim không thành công trong việc lôi kéo khán giả, vất vả thu 4,7 tỷ đồng và chưa thể hồi vốn.

Không phải phim nào doanh thu kém cũng là thảm họa

Dù nội dung còn hạn chế, khó thể xếp Vô diện sát nhân vào dạng “thảm họa”. Chưa kể đây lại là phim kinh dị Việt đầu tiên khai thác thể loại slasher (đâm chém), được đầu tư về phần bối cảnh, quay phim, cắt dựng. Diễn xuất của Phương Anh Đào cũng là điểm sáng. Thế nên, tác phẩm thất bại có lẽ vì kinh dị không còn là món ăn hấp dẫn với khán giả Việt. Sự ra đời của hàng loạt dự án lớn nhỏ với chất lượng không đồng đều khiến người xem bị “bội thực”, từ đó quay lưng với thể loại này.

Các năm trước, điện ảnh Việt cũng có nhiều phim đầu tư chỉn chu nhưng rơi vào trường hợp thua lỗ. Võ sinh đại chiến (2020) là một ví dụ. Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao, có ý tưởng mới mẻ, nội dung và diễn xuất đều ở mức tốt. Song, phim vẫn thất bại, chỉ thu về 2 tỷ đồng và phải rút khỏi rạp trong vòng chưa đầy 1 tuần. Tương tự là loạt dự án như Bí mật của gió (2,1 tỷ), Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi (3,1 tỷ), Sài Gòn trong cơn mưa (3,3 tỷ)… Dù ít nhiều còn hạn chế, các tác phẩm đều có những điểm sáng nhất định, xứng đáng nhận được sự quan tâm hơn từ phía khán giả.

fgkdnf9opsdrcsbyudpgwo7shc567jbeti9asfo39lir4itqupkcngeybv9dylzps99v7-jxxcgxjqbtrtdhfezkmo5bnvbvhosrqenj-i0hg3xtnh-t3ja-9711.jpg
Võ sinh đại chiến được giới phê bình đánh giá cao nhưng chưa thể thu hút khán giả.

Một cái tên cũng gây xôn xao là Trạng Tí do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, Ngô Thanh Vân sản xuất. Phim được đầu tư công phu với kinh phí tiết lộ lên đến con số hơn 43 tỷ đồng. Song, tác phẩm đối diện làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ phía khán giả nên gặp khó khăn khi ra rạp. Dời lịch và chiếu lại nhiều lần nhưng phim vẫn chưa thể hồi vốn, chỉ thu về hơn 22 tỷ đồng. Con số này với những dự án khác có thể cao, nhưng vẫn chưa thể giúp các nhà sản xuất Trạng Tí tránh khỏi tình trạng thua lỗ nặng.

Nắm bắt tâm lý khán giả luôn là bài toán khó dành cho các nhà sản xuất. Ngay cả những bom tấn Hollywood được đầu tư nhiều năm vẫn khó tránh khỏi khả năng thua lỗ. Hơn nữa, một bộ phận khán giả Việt còn có tâm lý khắt khe với phim nội, chưa thực sự chào đón các tác phẩm nước nhà. Đó cũng là lý do nhiều ý kiến cho rằng phim thua lỗ là “thảm họa”, chất lượng thấp, từ đó tạo thành “định kiến phim Việt”.

Thực tế, từ “thảm họa” chỉ nên dùng với những tác phẩm có chất lượng quá tệ, không xứng đáng được chiếu rạp. Trong khi điện ảnh Việt đang ngày càng phát triển với nhiều sản phẩm thực sự tốt. Muốn biết một bộ phim có phải thảm họa hay không, chỉ có thể trực tiếp thưởng thức, trải nghiệm. Đó cũng là cách tốt nhất để có một cái nhìn đúng đắn và nhận xét công tâm với nền điện ảnh nước nhà.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao phim Việt 'giãy chết'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO