Cụ thể, trong văn bản, Chủ tịch HĐQT Novaland, ông Bùi Thành Nhơn đã ký có một số nội dung quan trọng, chủ yếu liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Theo đó, Novaland xin ý kiến cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định việc thực hiện tái cấu trúc công ty bao gồm thương lượng và triển khai phát hành mới cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, các công cụ khác để tăng vốn hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc tài chính, bao gồm cả hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hoặc tài sản.
Dự kiến, HĐQT Novaland sẽ trình cổ đông phương án phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Số tiền hơn 9.750 tỷ đồng thu được, Novaland dự kiến góp vào công ty con để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của tập đoàn; thực hiện các dự án mà công ty con là chủ đầu tư; thanh toán các khoản thuế và khoản phải nộp nhà nước và bổ sung vốn lưu động.
Song song, Novaland dự kiến phát hành 1,95 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ phát hành 1:1 cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán cũng sẽ không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Dự kiến công ty sẽ chào bán trong năm nay.
Số tiền thu được tối thiểu là 19.501 tỷ đồng sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của công ty; thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên; chi phí vận hành chung và thực hiện các dự án do công ty là chủ đầu tư.
Trong trường hợp cả hai phương án phát hành đều được thông qua và thực hiện, vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng gấp khoảng 2,5 lần, từ gần 19.500 tỷ lên 48.700 tỷ đồng.
Ngoài các phương án chào bán, HĐQT Novaland cũng dự định trình lên phương án phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với số lượng tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành của công ty tại thời điểm phát hành.
Thành viên HĐQT và người lao động theo danh sách được HĐQT phê duyệt sẽ là người được quyền mua ESOP. Giá chào bán cũng không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Thời gian chào bán đến hết năm 2024.
Cùng ngày, cổ đông Novaland cũng được lấy ý kiến thông qua việc miễn nhiệm 2 Thành viên HĐQT là ông Bùi Xuân Huy và bà Hoàng Thu Châu đã nộp đơn từ nhiệm trước đó, đồng thời thông qua quy chế bầu cử Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026, cụ thể sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 Thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2021– 2026.
Trên thị trường, giá cổ phiếu NVL đang giao dịch quanh mốc 11.000 đồng/cổ phiếu, giá trị hiện nay đã giảm gần 90% sau nửa năm.
Một câu hỏi đặt ra là, với đà lao dốc của cổ phiếu NVL như hiện nay, với đề xuất tăng vốn sở hữu lên 2,5 lần thì liệu kịch bản tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Bùi Thành Nhơn xuống dưới 51% hoặc thấp hơn nữa có diễn ra?
Theo điều lệ Novaland ghi nhận nếu Nghị quyết thông qua dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thì được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tán thành.
Ngoài ra, nếu nắm giữ 51% vốn cổ phần thì có thể quyết định nhân sự chủ chốt theo phương thức bầu dồn phiếu. Việc biểu quyết bầu Thành viên HĐQT và BKS phải thực hiện theo hình thức bầu dồn phiếu.
Nếu tỷ lệ sở hữu xuống dưới 51%, gia đình ông Bùi Thành Nhơn sẽ không còn quyền tự quyết đối với rất nhiều vấn đề.