Vì sao nhiều trường hợp tử vong nhanh khi xuống giếng sâu?

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 22/08/2022 19:20

Theo các bác sĩ giếng sâu thường tồn đọng các khí độc, trong đó có khí metan (CH4), CO2, CO… nếu hít phải nồng độ quá cao sẽ chết ngạt ngay trong vài phút.

z3647361579413-d565b6893ba639c-6674-4491-1660722844.jpeg
Vụ ngạt khí dưới giếng xảy ra tại Bình Phước mới đây - Ảnh: Văn Trăm

Tử vong nhanh

Mới đây, ngày 16/8 Công an tỉnh Bình Phước cho hay đang xác minh vụ tai nạn xảy ra tại xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, khiến 2 người đàn ông chết ngạt dưới giếng sâu. Trước đó, chiều 15/8 anh Điểu Cường (32 tuổi, ngụ thôn Bình Hà, xã Đa Kia) thấy máy bơm bị hư nên trèo xuống giếng sâu gần 30m để lấy lên sửa.

Gần 1 tiếng sau anh Cường vẫn chưa trở lên, gọi không nghe tiếng trả lời, nên anh Điểu Trung (30 tuổi, hàng xóm anh Cường) trèo xuống giếng tìm rồi cũng "mất tích".

Do giếng quá sâu, chật hẹp nên hơn 1 giờ sau, đến khoảng 17h30 tối 15/8, lực lượng chức năng mới đưa được thi thể 2 nạn nhân từ giếng nước lên và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Tại nhiều các tỉnh thôn quê, nhiều người dân thường có thói quen xuống giếng sâu để trúc vớt các loại máy bơm, động vật, đào giếng…có độ sâu đến hàng chục mét, rất nguy hiểm cho tính mạng.

Trước đó,công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã cho biết trên địa bàn thôn Đức An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) đã xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến 2 người tử nạn.

Cụ thể, ông S.N.(44 tuổi) đã nhờ anh H.L. (36 tuổi) sang vét giếng nước cho gia đình. Khi anh L. xuống giếng được ít phút thì bị ngạt khí và bất tỉnh. Thấy vậy, ông N. leo xuống giếng để cứu nhưng cũng bị ngạt thở.

Ngay sau đó, anh L.V. C. (trú cùng thôn) đã chạy đến và leo xuống giếng để cứu nhưng khi xuống giữa chừng, có dấu hiệu khó thở nên anh C. phải quay lên. Sau một hồi dội nước và quạt gió xuống giếng, người dân mới đưa được thi thể 2 người lên mặt đất.

ngat-khi-16607966819512037826715-0-0-339-542-crop-1660796770756697233801.jpeg
Khu vực thôn quê người dân thường tự ý xuống giếng sâu - Ảnh:Internet

Cẩn trọng khí độc

GS Trần Văn Sung - nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cho biết trường hợp ngạt khí khi xuống giếng sâu xảy ra rất nhiều lần nhưng người dân chưa chú ý và không đề phòng.

Ông cho biết khí metan (CH4), chiếm chỗ khí oxy và tích tụ dưới dưới đáy giếng khơi sâu là "thủ phạm" chính gây ra chết ngạt. Trường hợp giếng 30m ở Bình Phước là rất sâu nên nồng độ khí metan xuất hiện nhiều. Khi khí metan chiếm 75% thể tích trong không khí, sẽ khiến chết ngạt ngay trong vài phút.

Ngoài metan còn có chất đồng đẳng là khí etan (C2H6) - dù ít hơn nhưng đều độc. Chúng sẽ đẩy oxy lên và chiếm chỗ, tích tụ lại. Một số loại khí khác cũng xuất hiện như CO, CO2 nhưng không nhiều.

Giếng càng sâu thì khí metan càng nhiều. Hiện nay Việt Nam chưa có nhiều thiết bị chuyên dụng trang bị để xuống giếng sâu. Tuy nhiên, trước khi xuống người dân cần tìm cách đuổi hết khí metan ra ngoài, sau đó đeo mặt nạ lọc khí rồi mới xuống. "Tốt nhất nên bơm hút, thay đổi hỗn hợp không khí, ví dụ dùng quạt xua đuổi khí metan, làm không khí lưu thông".

Người dân không nên xuống ngay dưới giếng, mà thử nghiệm trước bằng cách thả một con gà xuống trước. Nếu con vật chết ngạt dưới giếng tức là có không khí độc, người không nên xuống.

Ông cũng cảnh báo trong trường hợp gặp phải hiện tượng có người chết ngạt khí thì người sau tuyệt đối không theo để cứu, mà nên tìm cách thả dây xuống đáy để trong trường hợp nạn nhân vẫn tỉnh để kéo lên.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng - trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội - cho biết một cách thủ công để an toàn hơn là dùng ống cao su dẫn khí từ mặt đất để hít thở hoặc dùng dây báo hiệu cho người ở trên khi gặp sự cố.

Trước khi xuống giếng (kể cả giếng hay sử dụng) cũng nên có biện pháp thử xem dưới giếng có khí độc không. Tốt nhất là thắp một ngọn nến, hay ngọn đèn, thòng dây thả dần xuống sát mặt nước dưới đáy giếng trước, nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí dưới đáy giếng vẫn đủ oxy để thở.

Trái lại, nếu ngọn nến chỉ cháy leo lét rồi tắt thì không nên xuống vì không khí dưới đáy giếng thiếu oxy, và có nhiều khí CO2 hoặc các khí độc khác.

Cũng có thể nhốt một con gà hay một con chim vào trong lồng, buộc dây thả dần xuống gần sát mặt nước giếng, nếu con vật bị chết ngạt là dưới giếng có nhiều khí CO2 hoặc các khí độc khác, người không xuống được.

Sau đó, nên làm thông thoáng khí dưới đáy giếng trước khi xuống. Có thể cắt một cành cây to nhiều lá buộc dây dài thả xuống đáy, rồi rút lên thả xuống nhiều lần trước khi cho người xuống.


Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nhiều trường hợp tử vong nhanh khi xuống giếng sâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO