Vì sao nhiều người tái nhiễm COVID-19 lần 2, lần 3 dù tiêm đủ vaccine?

Phạm Đông| 09/03/2022 07:25

Hiện nay, tình trạng tái nhiễm COVID-19 đang trở nên ngày càng phổ biến. Chuyên gia cho biết nhiều người dù đã khỏi bệnh nhưng có thể dương tính lại 2, thậm chí 3 lần khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến chủng mới.

Bất ngờ tái nhiễm lần 2, lần 3

Anh L.T.N (38 tuổi, Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết anh phát hiện mắc COVID-19 lần 1 qua test nhanh vào cuối tháng 11.2021. Khi kết quả khẳng định PCR dương tính, anh được cách ly điều trị tại nhà đến 17.12.2021 thì âm tính và hết cách ly, sinh hoạt bình thường.

Để phòng vệ cho bản thân, anh N đã hạn chế ăn uống bên ngoài, tuân thủ đeo khẩu trang và tránh nơi tập trung đông người. Cũng trong quãng thời gian đó, anh đã được tiêm đủ 3 liều vaccine. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 tháng, ngày 17.2, anh phát hiện mình tái dương tính, triệu chứng như lần 1, sốt trên 37 độ C, ho khan theo cơn, rát họng và sổ mũi.

Cách ly và điều trị tại nhà, anh N cảm thấy rất mệt mỏi và hụt hơi, sức khoẻ yếu đi trông thấy. Tuy không mất vị giác, nhưng chán ăn, khiến cơ thể anh thiếu hụt dinh dưỡng nên không khoẻ khoắn như bình thường.

Kết quả tái mắc COVID-19 khi anh N tự test tại nhà. Ảnh: NVCC
Kết quả tái mắc COVID-19 khi anh N tự test tại nhà. Ảnh: NVCC

Tiếp đó, chị N.T.Q (27 tuổi, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) từng nhiễm COVID-19 lần 1 khi về từ TPHCM hồi tháng 7.2021. Khi đó, chị phải đi cách ly tập trung để điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương theo quy định của ngành y tế. Đến tháng 10, chị test nhanh dương tính nên khá bất ngờ vì đã từng nhiễm COVID-19. Để chắc chắn, chị đến phòng khám gần nhà làm xét nghiệm PCR, kết quả dương tính với chỉ số CT 17.

Lần thứ 2 nhiễm COVID-19, chị Q được chuyển điều trị tại khu cách ly tập trung của Kí túc xá Pháp Vân. Sau nửa tháng điều trị, chị Q xét nghiệm âm tính và được cho về nhà cách ly thêm 7 ngày.

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 22.2 chị Q tiếp tục xuất hiện triệu chứng đau rát họng, không sốt, không ho. Trước đó chỉ vài ngày, chị cùng nhóm bạn tổ chức ăn uống, trong số đó nhiều người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

"Tôi không nghĩ bị tái nhiễm nhanh như vậy. Triệu chứng bệnh lần 2 nhẹ hơn, nhưng buổi tối, tôi bị khó thở, giấc ngủ không sâu, nghẹt mũi. Ban đầu tôi cũng nghĩ đã khỏi COVID-19 nên thoải mái đi chơi, không đeo khẩu trang. Nhưng khi mắc bệnh lần này sức khoẻ yếu đi thì đúng là không thể chủ quan, nghĩ khó có thể tái nhiễm", chị Q nói.

Quyết định cách ly, điều trị tại nhà của chị Q khi tái mắc lần 3.
Quyết định cách ly, điều trị tại nhà của chị Q khi tái mắc lần 3.

Chuyên gia chỉ ra khả năng tái nhiễm

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số những bệnh nhân ông từng điều trị, có trường hợp tái nhiễm COVID-19 sớm nhất 3 tuần. Có nhiều người nhiễm lần 2, thậm chí cũng có số ít người nhiễm lần 3 - mỗi lần một biến chủng khác nhau ví dụ như Alpha, Delta và Omicron.

"Các lần tái nhiễm sau nặng hơn lần trước có thể là do mỗi lần mắc một biến chủng khác nên có triệu chứng nặng nhẹ khác nhau. Ví như nhẹ nhất là Alpha, sau là Omicron, cuối cùng triệu chứng nặng nhất là chủng Delta", bác sĩ Phúc nói và cho biết hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học hay thống kê cụ thể về việc người tái nhiễm có triệu chứng nặng hay nhẹ hơn so với lần đầu.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM thông tin, nguyên tắc tái nhiễm là mang chủng khác. Nếu người bệnh hiện giờ phát hiện tái nhiễm, thì khả năng mắc chủng Omicron. Nếu F0 mắc chủng Delta khỏi bệnh, nhiễm lại khả năng mắc Omicron, nhưng nhẹ hơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng, hiện đã xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra ngay sau khi bệnh nhân mới khỏi bệnh.

Bác sĩ Hoàng cũng cho biết, F0 sau thời gian điều trị, xét nghiệm PCR âm tính, nhưng sau đó lại tái dương tính, có thể do quá trình lấy mẫu chưa đúng. Hoặc, cơ thể người bệnh chưa hết hẳn virus, vẫn còn lại xác virus, nhưng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên.

"Có nhiều người dù không có triệu chứng gì đặc biệt, nhưng 15-20 ngày rồi, virus vẫn chưa hết hẳn, chỉ số CT vẫn dao động ở khoảng 25-30. Với các trường hợp này, cần ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi tốt hơn để sớm có kết quả PCR âm tính", bác sĩ Hoàng nói.

Ngoài ra, để chắc chắn bệnh nhân tái nhiễm, cần giải trình tự gene. Nếu gene virus khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gene hoặc là hai biến chủng khác nhau, và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nhiều người tái nhiễm COVID-19 lần 2, lần 3 dù tiêm đủ vaccine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO