Vì sao nhiều người liệt mặt khi ngủ điều hòa, quạt

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 21/07/2022 20:30

Thời tiết nóng bức, nhiều người thường có thói quen mở quạt, điều hòa khi ngủ dẫn đến một số người phải nhập viện điều trị vì liệt mặt.

images1394342_1.jpeg
Ngủ quạt, điều hòa sai cách có thể dẫn đến liệt mặt - Ảnh: Internet

Liệt mặt vì thường xuyên ngủ máy lạnh

Bé N.T.T (10 tuổi, ở Hà Nội) bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh. Ban đầu, bé chỉ bị da nhăn nheo, cười méo xệch một bên sau khi ngủ dậy. Nguyên nhân cũng bởi bé ngủ thích nằm gần quạt và quạt phả thẳng vào mặt.

Mẹ của bé cho biết, nhiều lần dậy tắt quạt cho con nhưng chỉ được lúc là T. lại bật quạt và hướng trực tiếp vào người. Khi điều trị, bé phải điện châm kèm theo hỗ trợ mát xa. Bác sĩ cho biết trường hợp của T. phải điều trị 2, 3 tháng mới hết các dấu hiệu liệt mặt và để mặt trở lại bình thường.

Anh H.L.T. (34 tuổi, ở quận 10) cho biết, anh bị mắc mưa sau giờ đi làm về, đến đêm ngủ có bật quạt hướng thẳng vào vùng đầu mặt cho mát. Đến sáng anh phát hiện các triệu chứng như tê một bên mặt, mắt trái nhắm không kín, miệng lệch.

Anh đã đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 để khám. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định anh T. bị liệt dây 7 ngoại biên nghĩ do lạnh. Sau 4 tuần điều trị bằng châm cứu - xoa bóp và vật lý trị liệu, các triệu chứng cải thiện khoảng 90%.

Tương tự, nữ bệnh nhân A.H. (15 tuổi, ở Hóc Môn) thường xuyên ngủ máy lạnh nhiệt độ thấp, sáng ngủ dậy rửa mặt thì thấy nước chảy ở một bên khóe miệng, mắt nhắm không kín một bên nên được người nhà đưa đến bệnh viện để khám.

Qua thăm khám, H. được chẩn đoán liệt dây 7 ngoại biên nghĩ do lạnh. Bác sĩ chỉ định điều trị bằng các biện pháp châm cứu - xoa bóp bấm huyệt và kèm theo thuốc thang. Sau 2 tuần đã có những chuyển biến rõ, mắt nhắm tương đối kín, miệng uống nước không còn bị chảy.

liet-ca-mat-vi-thoi-quen-bat-quat-suot-ca-dem-khi-troi-nong-2-1594192428-594-width640height478.jpeg
Người dân có thể liệt mặt do dùng điều hòa sai cách - Ảnh: Internet

Bệnh thường khởi phát đột ngột

ThS Ngô Thị Kim Oanh- Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết liệt mặt ngoại biên do lạnh mức độ nhẹ 80% sẽ tự lành trong vòng vài tuần sau đó. Tuy nhiên, nếu nặng thì việc điều trị gặp khó khăn. Bệnh thường khởi phát đột ngột, sau đêm ngủ dậy, liệt nửa mặt hoàn toàn xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ.

Khi nhìn vào sẽ thấy mặt người bệnh mất cân xứng, các cơ mặt bị kéo về một bên, nếp nhăn vùng trán, ranh mũi má mắt, nhân trung lệch, miệng méo. Ngoài ra, mắt nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên. Bệnh nhân gặp khó khăn khi thực hiện các động tác nhăn trán, nhíu mày, nhăn răng, trề môi, phồng má, thổi sáo…Triệu chứng phụ có thể gặp là ù tai, chảy nước mắt bên liệt…

Khi có những biểu hiện trên người bệnh cần tới cơ sở y tế uy tín để khám tìm ra nguyên nhân, tầm soát mức độ tổn thương của dây thần kinh bằng các triệu chứng lâm sàng và điện cơ vùng mặt. Người bệnh bị liệt mặt ngoại biên mức độ nặng nếu không được điều trị và hướng dẫn đúng cách sẽ dẫn đến nhưng biến chứng nặng nề như xuất hiện dấu giật ở mặt, viêm loét giác mạc, liệt cứng....

Theo BS nguyễn Thanh Cường - nguyên bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội - cho biết nhiều người ngủ dậy sau khi nằm máy lạnh bị choáng váng đầu, cổ cứng do nằm nghiêng một bên quá lâu trong khoảng thời gian dài. hoặc khi đi ngoài nắng nóng về đang toát mồ hôi đã vội dội nước cho mát rồi vào bật quạt số to nhất, hoặc xối thẳng máy lạnh vào người nên đã bị cảm lạnh dẫn đến méo mồm, liệt mặt do mạch máu bị co và đông lại.

Điều này không chỉ xảy ở người lớn mà cả với trẻ nhỏ. Và với phụ nữ có thai, người ốm yếu, mệt mỏi, người già càng dễ gặp hơn. Dấu hiệu khi trẻ bị liệt mặt, méo miệng là ngủ chỉ khép mắt hờ, không nhắm được mắt. Khóe miệng lệch và rũ hẳn sang một bên, bị chảy nước dãi. Khi ăn uống sẽ khó hơn vì cơ miệng bị đơ, lệch khiến thức ăn dễ rơi ra ngoài. Một số bệnh nhân còn kèm theo đau, giảm cảm giác nhận biết hương vị khi ăn uống.

Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không để nhiệt độ máy lạnh trong phòng quá thấp. Không để quạt thổi trực tiếp gần vào người, ở ngoài nắng nóng về không nên vào phòng điều hòa ngay (nhất là trẻ em), hãy lau khô mồ hôi, nghỉ một lát hãy vào. Trước khi trẻ rời phòng máy lạnh nên tắt máy, mở cửa phòng để điều hòa không khí giữa bên trong và bên ngoài.

Nhiệt độ thích hợp trong phòng điều hòa không cách biệt quá 5 - 7 độ C so với ngoài trời. người dân không nên để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp trong thời gian dài.

Phòng máy lạnh có trẻ em chỉ nên đặt khoảng 26 -28 độ C (sẽ hơi nóng với người lớn, nhưng phù hợp với trẻ em). Ban đêm khi đi ngủ nên điều chỉnh lại nhiệt, tránh để trẻ nằm thẳng luồng gió bởi dễ mắc bệnh đường hô hấp. Luôn đắp chăn mỏng trên bụng, giữ ấm lỗ chân lông, tránh bị cảm lạnh, đau bụng... Trẻ nhỏ ngủ hay đạp chăn, nên để trẻ mặc quần áo cotton, chất thấm mồ hôi.

Hạn chế dùng máy lạnh, năng mở cửa để thông khí giúp không khí sạch lưu thông và bổ sung thêm ôxy. Thời điểm mát (sáng, đêm) nên dùng quạt thay thế sẽ tốt cho sức khỏe. Buổi sáng, tối nhiệt độ ngoài trời thấp, hãy cho trẻ ra ngoài hít thở không khí trong lành, tắm nắng để tăng sức đề kháng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nhiều người liệt mặt khi ngủ điều hòa, quạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO