Ly hôn vì cô vợ thích ca tụng chồng trên MXH
Chị X. thường xuyên khoe chuyện nhà trên MXH, dù luôn tán tụng chồng như 1 người đàn ông tuyệt vời, luôn khoe con như những đứa trẻ hiểu chuyện. Nhưng đùng một cái chị X. thông báo kết thúc 1 cuộc hôn nhân. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra khi tất cả những gì họ trưng ra trên MXH là 1 cuộc sống như mơ đáng ngưỡng mộ. Vì sao có thể "bất ngờ" chia tay được khi tối hôm trước chị vợ vẫn còn khoe anh chồng tâm lý đang rửa bát trong nhà có vẻ cơm lành canh ngọt, vậy mà đùng cái lại ly hôn?
Sau này anh chồng mới tâm sự rằng anh đã quá mệt mỏi làm "anh chồng hoàn hảo trên mạng" qua bàn tay vợ. Bản thân anh cũng có lúc "quạo", cũng có khi muốn sống cho bản thân mình, anh không hoàn hảo như người ta đang ngưỡng mộ trên mạng. Anh vốn không thích ồn ào trên facebook nhưng chị vợ lại thích xôn xao cõi mạng.
Nhiều lần anh đã nói với vợ rằng: "Em đừng đăng quá nhiều ảnh gia đình, các câu chuyện gia đình lên mạng nữa. Cuộc sống gia đình cũng cần chút riêng tư, ồn ào quá khá phiền phức, em không sợ thì thôi, chứ anh ngại", thế nhưng chị vợ vẫn ngoan cố làm theo ý thích của mình.
Sau này, anh lỡ rung động với sự bình an từ một người lạ mặt, người thú nhận đã "ngưỡng mộ" anh nhờ những lời ca tụng của vợ anh trên MXH. Anh chưa để mọi chuyện đi quá xa, nhưng những ồn ào trên mạng do cô vợ đăng mỗi ngày đã dần khiến tình cảm của anh héo mòn.
Ngay cả lúc gia đình trục trặc, vợ anh vẫn kể chuyện chồng tuyệt vời lên mạng, điều đó càng khiến anh cảm thấy vợ mình là kẻ giả dối. Anh quyết định ly hôn không phải vì một cơn "say nắng", nhưng anh không thể sống với 1 người vợ quá thích ồn ào.
Và đó là lý do khiến người ngoài chỉ nhìn thấy 1 cuộc hôn nhân "bỗng dưng" tan vỡ. Sau này vẫn là chị vợ đó "phốt" anh sau khi ly hôn. Anh biết vợ mình đưa được mình lên mây xanh thì cũng dìm mình xuống bùn đen được. Anh im lặng chấp nhận điều tiếng.
Ngoài câu chuyện trên thì có rất nhiều trường hợp khác như nàng dâu nói xấu mẹ chồng, vợ chồng tố nhau trên MXH, cha mẹ đăng chuyện riêng tư của con cái lên MXH và gia đình xào xáo, ồn ào, ầm ĩ đã xảy ra. Điều đáng nói kết quả không chỉ "bi thương" ở hiện tại mà còn đau đớn đến... sau này.
"Gia đình là một điều gì đó rất thiêng liêng và cần phải giấu kín"
Trước đây nghệ sĩ Xuân Bắc nếu có nhận trả lời phỏng vấn chỉ dừng ở góc độ nghề nghiệp và chuyên môn, chuyện riêng tư gia đình anh thường từ chối. Bởi quan điểm của anh là: "Gia đình là một điều gì đó rất thiêng liêng và cần phải giấu kín. Tôi không bao giờ thích phơi bày gia đình mình cho thiên hạ bàn tán".
Xuân Bắc có thể kể chuyện hài hước cha con, nhưng chuyện vợ chồng anh rất kín tiếng. Anh cũng rất ít khi đưa ảnh cả gia đình lên MXH. Có lẽ anh là người hơn ai hết hiểu được tính hai mặt của MXH và muốn giữ góc riêng tư cho chính mình.
Bất cứ câu chuyện nào có tính riêng tư khi được nói ra cũng đều có thể được suy nghĩ theo các cách khác nhau. Vì vậy, trước khi đăng tải 1 thông tin trên MXH hãy cân nhắc tính nhiều chiều của nó. Với những người kín kẽ, đặc biệt là người nổi tiếng nhiều người không bao giờ đưa hình ảnh gia đình lên MXH, thậm chí họ còn có xu hướng giữ kín hình ảnh con cái của mình vì muốn cho con có được cuộc sống bình thường.
Người ta cũng nói rằng đừng bao giờ đem chuyện gia đình đi kể cho người khác, lời kể của bạn là tận đáy lòng nhưng quay lưng đi lại thành chuyện cười của người khác.
Thế nhưng, trước sức hấp dẫn của những chiếc like, những lời tán dương và cả công việc kinh doanh của chính mình, không ít người đã cập nhật tất tần tật cuộc sống của mình lên MXH. Họ không ngại phơi bày những chuyện buồn, chuyện vui, chuyện gia đình lục đục để mong nhận về "đồng minh" trên mạng. Và cuối cùng dở khóc dở cười tình trạng chuyện "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường".
MXH không làm cuộc sống hôn nhân trở nên gắn kết hơn khi người ta mất thời gian để "sống" với nó thay vì dành sự quan tâm cho nhau. MXH càng không làm cho những mâu thuẫn trở nên bé đi. Nhiều mối quan hệ thậm chí trở nên mâu thuẫn trầm trọng hơn, đó còn là những "dấu vết" không gì có thể "rửa" được với sức lan truyền, lưu trữ trên MXH quá lớn.
MXH dù phát triển đến đâu nhưng chủ thể giao tiếp vẫn là con người, đừng tự làm chính mình hay người thân bị tổn thương
Khi xưa lúc mối quan hệ tốt đẹp, phát ngôn của mình đẹp đẽ. Nhưng sau này, lúc mối quan hệ đã sang một "trạng thái mới", bỗng dưng những hình ảnh hạnh phúc và những lời yêu đương "mãi mãi" khi xưa được "đào" lại khiến chủ nhân của nó muốn xóa đi cũng đâu có được.
Còn gia đình, nơi ai cũng mong muốn một nơi để mình được sống thật là mình nhất. Nó thiêng liêng như một chốn bình an để bão tố nào người ta cũng có một nơi để quay về. Nhưng nếu tất cả đã được phô bày trên MXH, tất cả các cánh cửa đã được mở ra thì đó có phải là nơi an yên nhất để bạn có thể trở về không?
Vì vậy đặc biệt là chuyện riêng tư của vợ chồng, chuyện con trẻ bị cha mẹ "bêu xấu" trên MXH sẽ tạo thành những tổn thương không đáng có. Hãy thực sự cân nhắc khi "kể chuyện" trên MXH để tránh những tổn thương, thị phi dù là vô tình hay cố ý. Ngay cả nếu bạn dùng MXH để tạo thành một cuộc chiến gia đình thì dù có làm cho đối phương trở nên "tàn tật" thì bạn cũng không tránh khỏi việc bị thương.
Việc người ta dễ dàng chia sẻ một trạng thái cảm xúc trên MXH đã dẫn đến nhiều trường hợp "cả giận mất khôn", có khi gây ra sự mất an toàn cho chính cá nhân người đó mà lớn hơn còn gây nguy hiểm cho người thân trong gia đình. Nó cũng dễ làm cho mâu thuẫn trong gia đình trở nên nặng nề hơn.
Bạn không cần phải chứng minh rằng bạn đang hạnh phúc, càng không cần giãi bày sự đau khổ trên MXH nếu câu chuyện bạn đưa ra quá có tính riêng tư, đặc biệt có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến người thân của mình.
Một cô vợ khôn khéo biết tán tụng chồng cũng có thể biến thành một cô vợ "hàm hồ" quá khoe mẽ về tình yêu. Một bà mẹ đang chứng minh rằng mình thông thái cũng có thể biến thành một bà mẹ dại dột... Ranh giới này nhiều khi chỉ lệch nhau trong gang tấc.
Vì thế dù Xuân Bắc là người kín kẽ như vậy, nhưng vợ Xuân Bắc lại từng vài lần gây ra những tranh cãi trên MXH. Điển hình là gần đây quanh vấn đề giáo dục con cái thì chuyện khá nhạy cảm tuổi teen của bạn Bi bị mẹ đưa lên MXH.
TS Lê Minh Công đã từng phát biểu trên báo chí: “Chúng ta không đổ thừa cho công nghệ, bởi chủ thể giao tiếp chính vẫn là con người. Chọn cách sống ảo, kiểu giao tiếp ảo hay quá tin vào sự “giúp sức” của cộng đồng mạng sẽ khiến con người mất kết nối với chính mình. Như thế sức mạnh nội tâm sụt giảm, khi gặp biến cố sẽ không chịu đựng được áp lực, thiếu khả năng giải quyết vấn đề. Một khi đã mất kết nối với chính mình, rất dễ dẫn tới đổ vỡ mối quan hệ với các thành viên trong gia đình và những người xung quanh”.
Vì vậy, khi kể câu chuyện của gia đình mình trên MXH hãy thực sự cân nhắc một cách kể chuyện thông minh nếu không muốn nhận về những tổn thương cho chính mình, cho người thân và gia đình.
Theo Pháp luật và bạn đọc