Quay clip làm bằng chứng tránh hiểu nhầm
Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) kể lại, khoảng 7h sáng ngày 2/10, khi đang trên đường lái xe đi làm, anh nhìn thấy trên vỉa hè đường Nguyễn Xiển có một phụ nữ chảy nhiều máu nhưng chưa có xe cấp cứu đến.
Anh Dương đã dừng xe và cùng người dân sử dụng ô tô của mình đưa người bị nạn đi cấp cứu. Thiếu tá Dương đã nhờ người xung quanh quay lại toàn bộ quá trình cứu giúp nạn nhân và liên tục khẳng định mình không phải là người gây tai nạn.
Theo Thiếu tá Dương, việc quay clip làm bằng chứng là hành động cần thiết giúp người nhà nạn nhân biết được đúng sự việc, tránh rắc rối giống trường hợp một người ở Quảng Ninh bị khiếu kiện sau khi cứu giúp nạn nhân tai nạn giao thông.
Sự việc tại Quảng Ninh xảy ra vào ngày 17/6, bà P.T.T. (trú tại huyện Vân Đồn) đang dắt xe đạp qua tuyến đường 58m tại xã Hạ Long thì bị một chiếc xe khách đâm trúng, ngã văng ra đường.
Đúng lúc ấy, anh Nguyễn Trung Đức đi xe máy đến đã đỡ bà T. vào bên đường, còn tài xế xe khách bỏ đi.
Anh Đức sau đó đã đón ô tô của anh Ngô Văn Chính (trú tại TT. Cái Rồng, huyện Vân Đồn) đưa nạn nhân đi bệnh viện.
Ngày 22/7, bà T. ra viện, người nhà bà T. tố cáo vợ chồng anh Chính là người gây ra tai nạn, khiến vợ chồng anh phải đưa xe tới cơ quan công an kiểm tra và làm việc. Sau quá trình điều tra của Công an huyện Vân Đồn, vụ việc đã được làm sáng tỏ, anh Chính được cơ quan chức năng khẳng định là người đã cứu giúp nạn nhân.
Nhiều cách để giúp người mà không “làm ơn mắc oán”
Qua hành động quay clip khi giúp nạn nhân bị tai nạn giao thông của Thiếu tá CSGT, nhiều người đã đưa ra cách xử lý khác nhau để vừa giúp được người bị nạn vừa tránh “làm ơn mắc oán”.
Anh Thanh Tùng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, làm nghề lái xe, anh từng gặp nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông trên đường.
“Khi thấy người bị nạn tôi sẽ gọi ngay cấp cứu 115, sau đó tôi gọi điện báo công an qua số điện thoại 113 và hô hoán người xung quanh giúp đỡ”, anh Tùng chia sẻ.
Anh Kiều Đức Hùng (Thạch Thất, Hà Nội) - một tài xế taxi cho rằng, cần hô hoán để nhiều người đi đường cùng giúp đỡ nạn nhân.
“Việc đông người cùng dừng lại giúp nạn nhân sẽ tránh bị hiểu nhầm, ngoài ra, quá trình làm rõ vụ tai nạn của lực lượng chức năng sẽ có nhiều người làm chứng hơn”, anh Hùng cho biết.
Chị Lương Hải Yến (Từ Sơn, Bắc Ninh) chia sẻ, chị sẽ lập tức bật điện thoại lên quay lại toàn bộ sự việc.
Theo chị Yến, có hình ảnh xác thực thì mọi thứ sẽ được sáng tỏ và tránh gây hiểu nhầm. Hành động cứu giúp nạn nhân của mình nhờ thế cũng an toàn, hiệu quả hơn.
Không cứu giúp người gặp nạn có thể bị phạt tù
Đại diện Cục CSGT cho biết, việc không cứu giúp nạn nhân khi bị tai nạn giao thông không chỉ là hành động vô cảm mà còn vi phạm pháp luật.
Vị đại diện Cục CSGT cho hay, tại khoản 18 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (Điểm a, Khoản 7, Điều 11).
Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn có thể bị phạt tù. Tại Điều 132, Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Cụ thể, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1-5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm. Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.