Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, sau khi xem xét, đánh giá các nghiên cứu toàn cầu, các báo cáo của Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (AICR) cho thấy việc ăn tỏi thường xuyên làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Theo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thì các hợp chất trong tỏi giúp sửa chữa DNA, làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và giảm viêm.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu trên người về tác dụng giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng của tỏi.
Cụ thể, trong mỗi nhánh tỏi có chứa nhiều chất phytochemical, nhiều chất trong đó đã thể hiện đặc tính phòng chống ung thư khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ví dụ như flavonoid, inulin, saponin, S-allyl cysteine... Tỏi được nghiên cứu cho thấy tác dụng phòng chống ung thư mạnh nhất đối với ung thư đại trực tràng.
Loại rau có vị cay nồng này cũng đang được nghiên cứu về vai trò của nó trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác như: ung thư vú, dạ dày, vòm họng, thực quản, tiền liệt tuyến, gan, ung thư bàng quang…
Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều tỏi đặc biệt có liên quan đến việc giảm nguy cơ tim mạch và giảm nguy cơ ung thư phổi.
Kết hợp tỏi với các thực phẩm có nguồn gốc thực vật làm món ăn trở nên ngon hơn, khiến bạn ăn được nhiều rau hơn. Chế độ ăn nhiều rau đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư trong các giai đoạn điều trị bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, rối loạn vị giác… thì tỏi thường gây ra một số cảm giác khó chịu do mùi quá mạnh. Bởi vậy cần lưu ý khi chế biến đồ ăn cho đối tượng này.
Ngoài ra, nên ăn tỏi ở dạng tươi. Khi chế biến tỏi, chúng ta nên đập dập, cắt nhỏ và để ngoài không khí từ 10 đến 15 phút trước khi sử dụng. Lúc này, enzym ở trong không khí có thể tăng cường các khoáng chất có ích trong tỏi. Sử dụng tỏi già ngâm giấm cũng mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống tim mạch.