Vì sao nạn giả danh nhân viên điện lực vẫn tái diễn phức tạp?

01/08/2023 19:48

Thời gian qua, Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) và các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) đã thường xuyên cảnh báo về hiện tượng giả danh nhân viên điện lực gọi điện cho khách hàng sử dụng điện để lừa đảo.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM, cho biết ngành điện đã báo cáo cơ quan công an để điều tra, xử lý, ngăn chặn. Tuy nhiên, tình trạng này đang tái diễn phức tạp với những nội dung và hình thức mới

- Phóng viên Báo Người Lao Động: Ông có thể nói rõ hơn những hình thức giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo khách hàng trong thời gian gần đây?

+ Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM: Khoảng một tuần nay, Tổng Công ty Điện lực TP HCM đã liên tiếp nhận được rất nhiều phản ánh của khách hàng về các đối tượng lạ gọi điện thoại tự xưng là nhân viên điện lực, thông báo là sẽ có chương trình thoái hoàn 10% - 15% tiền điện. Các đối tượng này đề nghị khách hàng kết bạn qua Zalo để hướng dẫn cài đặt các ứng dụng nhận tiền hoặc đề nghị khách hàng cung cấp số tài khoản để chuyển tiền thoái hoàn.

Vì sao nạn giả danh nhân viên điện lực vẫn tái diễn phức tạp? - Ảnh 1.

Nhân viên điện lực TP HCM thường xuyên hướng dẫn khách hàng càiđặt ứng dụng EVNHCMC (app) trên điện thoại để tiện thông tin, giao dịch với điện lực.

- Tổng Công ty Điện lực TP HCM đã ghi nhận trường hợp khách hàng nào bị mất tiền do làm theo đề nghị của các đối tượng lừa đảo chưa, thưa ông?

+ Ông Bùi Trung Kiên: Tới thời điểm hiện nay, chúng tôi ghi nhận khoảng 150 trường hợp, đa số các trường hợp đã cảnh giác, điện thoại lên Trung tâm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực TP HCM để hỏi cho rõ. Tuy nhiên, vẫn có một trường hợp đã bị đối tượng hướng dẫn, dẫn dụ và mất tiền.

Những hành vi giả danh ngành điện lừa đảo người tiêu dùng như đề cập ở trên vừa gây mất an ninh, vừa ảnh hưởng đến uy tín ngành điện. Tổng Công ty Điện lực TP HCM đã báo cáo Công an Thành phố và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo cho người dân.

- Ngoài lừa đảo thoái hoàn tiền điện, có những chiêu lừa nào khác mà các đối tượng giả danh nhân viên điện lực thường dùng để chiếm đoạt tài sản của người dân?

+ Ông Bùi Trung Kiên: Khoảng 1 năm trở lại đây, Tổng công ty nhận được khoảng 3.000 cuộc gọi phản ánh việc các đối tượng giả mạo điện thoại thông báo khách hàng bị thiếu tiền điện và hù dọa cắt điện mặc dù khách hàng không hề thiếu; nếu muốn không bị cắt điện thì phải chuyển khoản đóng tiền điện cho những đối tượng này. Qua ghi nhận, đã có khoảng hơn 20 trường hợp đã chuyển tiền cho những đối tượng này.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM

- Ở góc độ ngành điện, ông có những lưu ý gì để giúp khách hàng tránh được những rủi ro bị rơi vào bẫy lừa đảo?

+ Ông Bùi Trung Kiên: Ngành điện đã có tổng đài trong chăm sóc khách hàng và ứng dụng chăm sóc khách hàng. Tất cả các giao dịch của nhân viên điện lực với khách hàng đều thông qua số điện thoại định danh là EVNHCMC hoặc số điện thoại 02822201115 (đối với nhà mạng chưa số điện thoại định danh). Do đó, khách hàng nhận được các cuộc gọi tự xưng là nhân viên ngành điện mà không phải từ 2 hình thức định danh này thì phải cảnh giác để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.

Ngành điện cũng đã có những cảnh báo trên ứng dụng chăm sóc khách hàng, trên website và đăng rất là nhiều bài báo, phương tiện thông tin để người dân cảnh giác. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có tổng đài 156 của các nhà mạng để tiếp nhận các phản ánh về cuộc gọi rác và dấu hiệu lừa đảo. Nếu người dân có nghi ngờ thì nên gọi cho tổng đài này để nhà mạng phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý.

Thanh Nhân

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nạn giả danh nhân viên điện lực vẫn tái diễn phức tạp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO