Vì sao khó thông quan hàng tặng từ nước ngoài?

15/11/2021 10:07

Không ít cá nhân, doanh nghiệp được kiều bào ở nước ngoài tặng khẩu trang, máy đo nồng độ ô-xy, thuốc điều trị COVID-19, sữa… nhưng hàng hóa không được thông quan.

Nhiều hàng hóa gửi về bị kẹt ở hải quan 

Vài ngày trước, trong khuôn khổ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TPHCM - phản ánh, kiều bào tại Úc ủng hộ 22.000 hộp sữa cho trẻ em gặp khó khăn do dịch COVID-19, sản phẩm đã về đến TPHCM gần một tháng nhưng không thể thông quan do chưa làm “đúng quy trình”.

UBMTTQVN TPHCM đã chủ động xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y (thuộc Bộ Y tế). Sau hai ngày, Cục Thú y đồng ý nhưng Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị xin ý kiến Chính phủ. “Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ thì Chính phủ cũng giao về cho Cục An toàn thực phẩm trả lời. Do đó, cần có một cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành để xử lý kịp thời những việc cần thiết” - bà Tô Thị Bích Châu đề nghị.

Một số doanh nghiệp phản ánh nhiều hàng hóa được tặng, tài trợ... từ nước ngoài hỗ trợ phòng, chống dịch về đến các cảng nhưng không thể thông quan vì vướng các thủ tục. (Trong ảnh: Hoạt động bốc dỡ hàng hóa ở cảng Cát Lái, TP.HCM) - ẢNH: Đ.THƯ
Một số doanh nghiệp phản ánh nhiều hàng hóa được tặng, tài trợ... từ nước ngoài hỗ trợ phòng, chống dịch về đến các cảng nhưng không thể thông quan vì vướng các thủ tục. (Trong ảnh: Hoạt động bốc dỡ hàng hóa ở cảng Cát Lái, TPHCM) - Ảnh: Đ.Thư

Báo Phụ Nữ TPHCM được bà con kiều bào ở Úc gửi tặng 200 thiết bị đo nồng độ ô-xy trong máu thông qua bà Trương Xuân Hạnh (ngụ Q.8, TPHCM)  để tặng cho các bệnh viện dã chiến. Hàng về đến TPHCM nhưng chưa được thông quan do thiếu giấy phép nhập khẩu để kê khai hải quan. Thấy thủ tục phức tạp, Báo Phụ Nữ TPHCM và bà Hạnh đành đề nghị trả về nơi gửi.

Tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 gần đây, ông Lê Hữu Bình - Giám đốc tài chính Công ty Jabil Việt Nam (Khu công nghệ cao TPHCM) - cho biết công ty được công ty mẹ tại Mỹ hỗ trợ khẩu trang N95 và vắc-xin nhưng không thể đưa về Việt Nam do vướng các thủ tục hải quan.

Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cũng phản ánh, thủ tục thông quan chậm trễ, nhiều hàng hóa của các doanh nghiệp thành viên bị kẹt ở hải quan, bao gồm cả thuốc điều trị COVID-19, que test COVID-19…

Ngành hải quan không được tự ý thông quan 

Trả lời phản ánh của bà Trương Xuân Hạnh, ông Bùi Thanh Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh, thuộc Cục Hải quan TP.HCM - cho biết hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng hàng viện trợ, tài trợ hay quà tặng đều có quy định riêng.

Trước đây, chưa có quy định về hàng tài trợ nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cá nhân, tổ chức ở nước ngoài tài trợ thiết bị y tế cho Việt Nam phòng, chống dịch nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 106/2021 về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ cho việc chống dịch COVID-19. Theo đó, hàng tài trợ phòng, chống dịch không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Hồ sơ nhận hàng phải được Bộ Y tế, UBND, UBMTTQVN các tỉnh, thành phê duyệt bằng văn bản.

Thông tư số 13/2021 của Bộ Y tế về nhập khẩu trang thiết bị y tế phục vụ việc phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách cũng nêu rõ, hàng hóa viện trợ của nước ngoài là thiết bị y tế nếu có quyết định phê duyệt tiếp nhận của cơ quan có thẩm quyền thì không phải nộp giấy phép nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan. Lô hàng 200 máy nồng độ ô-xy gửi cho bà Trương Xuân Hạnh được gửi với tư cách cá nhân cho cá nhân, hồ sơ không có thông tin nào thể hiện là hàng viện trợ, cũng không thông qua các cơ quan có thẩm quyền đứng ra xác nhận giống như hàng viện trợ, tài trợ nên thuộc diện hàng tặng và theo quy định thì phải có giấy phép nhập khẩu.

Đối với hàng viện trợ là thực phẩm, sữa, ông Bùi Thanh Hùng cho biết, theo quy định tại điều 13 Nghị định số 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì hàng hóa viện trợ không thuộc trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Quy định này nhằm phòng tránh phát sinh những trường hợp nhập hàng không chất lượng và không thông qua cơ quan quản lý chuyên ngành.

“Cơ quan hải quan chỉ thông quan trên cơ sở chiếu theo quy định và kết quả phê duyệt đạt chất lượng kiểm tra của các bộ, ngành chứ không được tự ý thông quan hay tự đưa ra quy định riêng. Khi thiếu giấy tờ gì, cơ quan hải quan luôn hướng dẫn, còn thủ tục nhanh hay chậm phụ thuộc vào các bộ, ngành quản lý chuyên ngành về sản phẩm đó. Khi đủ thủ tục theo quy định thì cơ quan hải quan luôn thông quan rất nhanh” - ông Bùi Thanh Hùng khẳng định.

Việc kiều bào, tổ chức nước ngoài ủng hộ thiết bị y tế, sữa… là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên việc phải có thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm trước khi thông quan là cần thiết vì liên quan đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, do dịch bệnh là việc chưa có tiền lệ trong lịch sử, nên cần phải ban hành luật riêng về phòng, chống dịch bệnh giống như nhiều nước trên thế giới đã làm. Trong đó có cơ chế đặc thù đối với hàng hóa là thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch như kiểm duyệt như thế nào, thuộc trách nhiệm của ai?… Nếu không thể ban hành luật riêng thì trong bối cảnh này cần phải có sự vào cuộc nhanh chóng của nhiều ban ngành để xử lý thủ tục thông quan nhanh hơn, không nên để chậm trễ. Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Đoàn Luật sư TPHCM.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao khó thông quan hàng tặng từ nước ngoài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO