Tối 25/8, tại thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức khai mạc Festival 100 năm Dừa Sáp Trà Vinh. Dù buổi lễ diễn ra dưới cơn mưa tầm tã nhưng thu hút đông đảo du khách, người dân theo dõi trực tiếp.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, dừa sáp hiện diện ở Trà Vinh đúng 100 năm trước. Theo tài liệu, năm 1924, Hòa thượng Thạch Sô đã mang giống dừa này từ nước ngoài về trồng tại chùa Bô Tum Sa Cô (chùa Chợ) huyện Cầu Kè.
"Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của địa phương vùng đất Cầu Kè, nên cây dừa đã cho trái sáp, trở thành một đặc sản chỉ có riêng ở Trà Vinh. Về hình thức, dừa sáp cũng giống như những trái dừa bình thường khác, tuy nhiên, bên trong lớp cơm dừa sáp dày, mềm, dẻo chiếm gần hết trái với một ít nước dừa đặc", ông Hẳn nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết thêm, dừa sáp là cây trồng có giá trị kinh tế cao, chiếm diện tích lớn ở huyện Cầu Kè. Dừa sáp được chế biến thành nhiều món ăn ngon đã được biết đến rộng rãi "với hương vị đặc trưng mà khi thưởng thức sẽ làm thực khách nhớ mãi".
Hiện toàn tỉnh Trà Vinh có gần 1.300ha vườn dừa sáp. Theo Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ phát triển thêm khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản, quy hoạch vùng trồng, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng vùng trồng dừa, áp dụng công nghệ vào quá trình nhân giống và sản xuất, chế biến.
Festival 100 năm Dừa Sáp kéo dài 7 ngày (25-31/8).
Lễ hội diễn ra với loạt hoạt động hấp dẫn như bắn pháo hoa, liên hoan lân sư rồng, chơi trò chơi dân gian, thực hành tín ngưỡng Ông Bổn, trưng bày gian hàng trái cây đặc sản trong đó có nhiều gian hàng dừa sáp, hội thi chế biến món ăn từ dừa sáp và không gian ẩm thực, hội chợ thương mại…
Tỉnh Trà Vinh kỳ vọng qua sự kiện, giá trị của dừa sáp và lễ Vu lan Thắng hội sẽ được quảng bá đến du khách gần xa, thu hút khách du lịch và nhà đầu tư tới địa phương, mở rộng thị trường cho sản phẩm của tỉnh.