Vì sao đột quỵ ngày càng 'trẻ hóa'

ANH ĐÀO| 20/07/2022 20:10

Theo các bác sĩ hiện nay với lối sống công nghiệp, giới trẻ ngày càng lười vận động, béo phì, các thức ăn nhanh…khiến đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, thay vì ở độ tuổi trung niên trở lên như trước đây.

0ba3984f69659b3bc274-1618284512583425549418-1618288992330800896996.png
Bệnh nhân mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng đã bị đột quỵ - Ảnh: BVCC

Nhiều bệnh nhân đột quỵ trẻ

Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết trong vài năm gần đây, bình quân cứ 4-5 bệnh nhân đột quỵ nhập viện thì có 1 bệnh nhân là người trẻ. Hiện mỗi ngày, tại bệnh viện tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân đột quỵ, trong đó, người trẻ mắc bệnh chiếm từ 20%-25%.

Trước đó, bệnh nhân B.K. (18 tuổi, ngụ Long An) bị đột quỵ do xuất huyết não. Theo lời kể người nhà, cách đây khoảng hai tuần, sau khi đi học về, K. vào phòng tắm thay quần áo. Vừa bước ra ngoài, K. bất ngờ lên cơn co giật mạnh, bất tỉnh rồi rơi vào hôn mê.

Gia đình lập tức đưa K. tới Bệnh viện Xuyên Á cấp cứu. Qua kết quả chụp CT não, các bác sĩ kết luận K. bị đột quỵ do xuất huyết não, cần phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.

Bệnh nhân được nhanh chóng chuyển từ khoa cấp cứu lên phòng mổ trong tình trạng hôn mê sâu, liệt nửa người bên trái, phản xạ ánh sáng yếu, phải thở máy qua nội khí quản.

TS.BS Trần Chí Cường - giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ - cho theo thống kê, trên thế giới hằng năm có khoảng 15 triệu người đột quỵ, trong đó Việt Nam có 200.000 ca. Trung bình mỗi 45 giây có 1 người bị đột quỵ và mỗi 3 phút có một người tử vong.

Tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới. Đặc biệt, số liệu thống kê cho thấy mỗi ngày TP.HCM có khoảng 300 bệnh nhân đột quỵ, số người trẻ mắc bệnh tăng nhanh.

Số lượng bệnh nhân đột quỵ trẻ gia tăng rất nhanh. Hiện nay bệnh nhân đột quỵ dưới 40 tuổi đã chiếm 5% trong số bệnh nhân đột quỵ. Nếu bỏ qua việc điều trị đột quỵ vì COVID-19, số lượng tử vong sẽ tăng cao trong tương lai.

201008-2-1-100055-081020-79.jpeg
Nhiều người trẻ tuổi bị đột quỵ tấn công - Ảnh: BVCC

Vì sao nhiều người trẻ bị đột quỵ?

BS Phạm Văn Cường - Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đột quỵ não ở người trẻ tuổi ngày càng tăng…

Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Bác sĩ Văn Cường cho biết những nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ nào bao gồm:

1. Bệnh lý dị dạng mạch máu não: Dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ chảy não ở những người trẻ tuổi. Hiện tại là chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả để dự phòng dị dạng mạch não. Những bất thường này có thể phát hiện sớm qua chụp cắt lớp vi tính tương phản mạch máu não, hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu não.

2. Hút thuốc lá: Khoảng 50 % số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá, những nghiên cứu mới nhất cho thấy có sự tương quan giữa số lượng thuốc hút mỗi ngày và nguy cơ đột quỵ não. Thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide...

Những chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu vào phổi làm thay đổi và phá hủy các tế bào trong cơ thể. Những thay đổi của các chất hóa học này làm tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não. Việc thay đổi nhận thức và hành vi hút thuốc của người trẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Những nghiên cứu này đang gióng thêm một hồi chuông cảnh báo cho những người đã và đang có thú vui độc hại này.

3. Rối loạn chuyển hóa mỡ máu: Có khoảng từ 50-60% bệnh nhân nhồi máu não trẻ tuổi có rối loạn chuyển hóa mỡ máu, có sự khác biệt nhẹ giữa nam và nữ, trong đó nam giới hay gặp hơn nữ. Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe (ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…), ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn (bệnh lý đột quỵ, tim mạch …)

4. Bệnh béo phì và lười vận động: Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên có một thực trạng là trong 5 năm vừa qua (từ 2014 đến 2020), tỉ lệ người béo phì tại Việt Nam đã tăng 33%, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kéo theo chế độ ăn ít lành mạnh hơn. Giới trẻ ngày càng thích ngồi trước màn hình máy tính hoặc ôm điện thoại di động hơn là tham gia các hoạt động thể dục, thể thao.

5. Đái tháo đường và tăng huyết áp: Đái tháo đường gặp ở 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ và với bệnh tăng huyết áp là khoảng 10%. Đặc biệt với khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trẻ tuổi có đái tháo đường lên tới 54.8%. Tại Việt Nam, đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ, thậm chí với trẻ em. Nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9 đến 13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi. Thói quen ăn uống thay đổi, lối sống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường khiến độ tuổi mắc tiểu đường càng trẻ, thậm chí mới 9 tuổi.

6. Uống rượu bia: Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi.

Từ các nguyên nhân trên, ta thấy rằng đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như: Tích cực vận động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế bia rượu… Đó là những điều mà thanh thiếu niên Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

“Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh lý đột quỵ (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó …), đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Hãy nhớ rằng đột quỵ não là căn bệnh không chừa một ai và dù ở độ tuổi thấp người trẻ cũng hoàn toàn không miễn nhiễm với đột quỵ”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Theo TS Trần Chí Cường, để phòng chống đột quỵ, người dân cần hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia. Khi có các triệu chứng của đột quỵ, cần liên hệ ngay với các bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất để được xử lý kịp thời.

Bài liên quan
  • Bí thư Thành ủy TPHCM lo ngại bùng dịch gây quá tải hệ thống y tế
    TPHCM - Dịch bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, COVID-19… đang là mối nguy lớn cho hệ thống y tế thành phố. Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ quan ngại về tình hình dịch nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến người dân, khó kiểm soát và quá tải hệ thống y tế.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao đột quỵ ngày càng 'trẻ hóa'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO