Vì sao dãy nhà Pháp cổ ở Ba Đình không thuộc "danh mục cần bảo tồn"?

Nguyễn Trường| 08/04/2022 10:20

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trong quá trình "vừa bảo tồn, vừa phát triển", chúng ta sẽ phải lựa chọn và xem xét công trình nào đảm bảo đủ yêu cầu để có thể bảo tồn.

Đây là chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh với báo chí khi nhận được câu hỏi về giá trị của công trình nhà xưởng (là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện), trên khu đất số 61 phố Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội).

Trước đó, dư luận xôn xao khi hay tin các công trình cao tầng có kiến trúc kiểu Pháp (xây dựng vào năm 1925) ở khu đất 61 phố Trần Phú bị phá dỡ để thi công dự án Công trình đa chức năng Postef do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện là chủ đầu tư.

Vì sao dãy nhà Pháp cổ ở Ba Đình không thuộc danh mục cần bảo tồn? - 1

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh (Ảnh: Quỳnh Anh).

Theo ông Kỳ Anh, đối với vị trí này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương di dời toàn bộ công trình nhà máy để xây dựng công trình dịch vụ đa chức năng nêu trên. Tức là, quyết định của Thủ tướng đã cụ thể hóa khu đất nào thì được phép xây dựng công trình.

Bên cạnh đó, dãy nhà xưởng này không nằm trong "Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa".

"Là cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, chúng tôi phải dựa trên tất cả pháp lý như vậy để phối hợp xây dự án tại đây" - ông Kỳ Anh khẳng định.

Vì sao dãy nhà Pháp cổ ở Ba Đình không thuộc danh mục cần bảo tồn? - 2

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh khẳng định, công trình kiến trúc đang tồn tại ở khu đất số 61 Trần Phú "không có gì đặc biệt" (Ảnh: hữu Nghị).

Vị lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định, công trình này là công trình công nghiệp, kết cấu không có gì đặc biệt. Theo một số nhà chuyên môn, công trình kiến trúc mái hình răng cưa ở đây không chỉ có từ thời Pháp mà sau này, còn có nhiều các công trình cũng có kiến trúc kiểu như vậy.

Trong khi đó, trong quá trình "vừa bảo tồn, vừa phát triển", chúng ta sẽ phải lựa chọn và xem xét công trình nào đảm bảo đủ yêu cầu để có thể bảo tồn.

"Công trình này đã được xác định trong quyết định của Thủ tướng nên khi chủ đầu tư quyết định triển khai khách sạn, chúng tôi thấy phù hợp và đảm bảo yếu tố không gian kiến trúc cảnh quan trong khu vực. Công trình cũng được đánh giá là đã nghiên cứu nghiêm túc và kiến trúc tương đối đẹp" - ông Kỳ Anh bày tỏ.

Theo phương án được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận, Công trình đa chức năng Postef thay thế dãy nhà xưởng Pháp cổ ở Ba Đình gồm 11 tầng nổi, 6 tầng hầm, kèm các công trình phụ trợ.

Về phương án kiến trúc, phần tầng hầm 6, 5, 4 lần lượt được bố trí các chức năng kỹ thuật; chỗ đỗ xe, khu kỹ thuật; tầng hầm 3 bố trí chức năng nhà hàng, văn phòng, dịch vụ (phòng gym) và kỹ thuật; tầng hầm 2 bố trí chức năng văn phòng, dịch vụ (massage) và kỹ thuật; tầng hầm 1 bố trí chức năng văn phòng và kỹ thuật.

Đối với phần tầng nổi, ở tầng 1 được bố trí chức năng sảnh, văn phòng và kỹ thuật; tầng 2, 3, 4 bố trí chức năng văn phòng; từ tầng 5 đến tầng 11 bố trí chức năng khách sạn.

Tổng chiều cao công trình khoảng 42,9 m (tính từ cao độ vỉa hè đến đỉnh tum thang trên mái tầng 11).

Vào năm 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án này với tổng vốn và nguồn đầu tư khoảng hơn 1.574 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao dãy nhà Pháp cổ ở Ba Đình không thuộc "danh mục cần bảo tồn"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO