Liên quan đến trận mưa lớn ở TP Đà Nẵng và một số nơi khác ở miền Trung khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, sáng nay (15/10), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) - cho biết: Theo số liệu quan trắc, lượng mưa từ 19h ngày 13/10 tới 7h sáng ngày 15/10 tại Quảng Trị phổ biến 100-300mm, Thừa Thiên Huế phổ biến 250-550mm, Đà Nẵng phổ biến 550-600mm, Quảng Nam phổ biến 100-400mm.
Riêng tại TP Đà Nẵng, mưa tập trung chính trong thời gian từ 1h ngày 14/10 đến 1h ngày 15/10, một số nơi xảy ra mưa rất lớn như: Trạm Đà Nẵng 697.6mm, Suối Đá 775.2mm.
Đặc biệt, tại TP Đà Nẵng, lượng mưa lớn tập trung trong thời đoạn ngắn: Lượng mưa 1 giờ lớn nhất: 150.2mm (từ 19h-20h ngày 14/10); Lượng mưa 3 giờ lớn nhất: 406.6mm (từ 18-21h ngày 14/10); Lượng mưa 6 giờ lớn nhất: 567.8mm (từ 15-21h ngày 14/10).
Mưa lớn đã làm ngập sâu trên diện rộng ở nhiều khu vực của TP Đà Nẵng, đặc biệt là các quận/huyện: Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.
5 nguyên nhân chính gây mưa lớn, ngập sâu tại TP Đà Nẵng
Theo ông Hưởng, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến xảy ra mưa lớn ở TP Đà Nẵng, cụ thể:
Thứ nhất, do tác động hình thế mưa điển hình ở miền Trung, tổ hợp đa thiên tai kết hợp của áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông.
Thứ hai, đặc điểm địa hình chắn gió ở miền Trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh.
Thứ ba, mưa xảy ra trong thời đoạn ngắn với cường suất lớn. Thống kê ban đầu cho thấy lượng mưa trong 6 tiếng đồng hồ lên đến trên 500mm là rất lớn.
Thứ tư, trong tối và đêm 14/10, triều cường tại khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trong đó có thành phố Đà Nẵng ở mức cao đã làm chậm quá trình thoát lũ.
Thứ năm, thông thường tháng 10 và tháng 11 là thời kỳ khu vực miền Trung có mưa lớn nhất trong năm. Năm nay cơ quan khí tượng thủy văn đã dự báo có ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, không khí lạnh hoạt động sớm nên mưa lũ khả năng sẽ lớn hơn năm bình thường. Đối với đợt mưa này, cơ quan khí tượng thủy văn cũng đã có cảnh báo rất sớm với lượng mưa phổ biển 200-500 mm, cục bộ cơ nơi trên 800mm ở Trung Bộ.
Về dự báo thiên tai trong thời gian tới, ông Hưởng cho biết: Từ hôm nay đến hết ngày 16/10, ở khu vực từ phía Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và dông; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to. Khu vực phía Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế lượng mưa 70-150mm, có nơi trên 200mm. Khu vực Đà Nẵng đến Quảng Ngãi lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 120mm. Từ ngày 17/10 trở đi mưa các tỉnh miền Trung giảm nhanh.
Hiện tại, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang lên; riêng lũ trên sông Bồ đang lên nhanh theo điều tiết xả của thủy điện Hương Điền; mực nước trên các sông ở Quảng Bình và Quảng Trị.
Dự báo lũ trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu và sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn có khả năng đạt đỉnh, sau xuống dần. Đỉnh lũ tại Câu Lâu khả năng ở mức 3,6m, dưới báo động 3 (BĐ3) 0,4m; tại Thạch Hãn ở mức 5,7m, dưới BĐ3 0,3m. Lũ trên sông Hương tiếp tục dao động ở mức cao, sông Vu Gia tiếp tục xuống.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.
Theo ông Hưởng, trạng thái La Nina tiếp tục duy trì trong thời kỳ từ nay đến tháng 1/2023 với xác suất khoảng từ 80-90%, sau đó giảm dần với xác suất khoảng từ 50-60%. Từ nay đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2 hoặc 3 cơn tập trung chính ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ.
Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục cảnh báo nguy cơ xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022. Tháng 1/2023 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông có thể ảnh hưởng tới thời tiết các tỉnh phía Nam của Việt Nam
Dự báo tổng lượng mưa tháng 11/2022, khu vực Bắc Trung Bộ cao hơn từ 15-30%; khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.