Kể từ khi 3 phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins trở thành những người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969, nhân loại đã tiếp tục thực hiện nhiều chuyến thám hiểm đến Mặt Trăng để tiến hành nghiên cứu, thu thập mẫu vật…
Các cường quốc đã phát triển những tàu thám hiểm để đổ bộ và tìm cách để đưa con người quay trở lại Mặt Trăng. Vậy tại sao con người luôn tìm cách thám hiểm Mặt Trăng? Quả cầu bé nhỏ và vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất có điều gì hấp dẫn đến vậy?
Dưới đây là một vài lời giải thích cho câu hỏi này.
Chạy đua để khẳng định vị thế trên chính trường
Ngày 4/10/1957, Liên Xô là quốc gia đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo vào không gian. Đến ngày 12/4/1961, Liên Xô tiếp tục đạt được một thành quả to lớn khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa người vào không gian. Phi hành gia Yuri Gagarin là người đầu tiên đã bay vào không gian trên con tàu vũ trụ Vostok 1.
Ngày 3/2/1966, Liên Xô tiếp tục đạt được một thành quả trong khám phá vũ trụ, khi tàu vũ trụ không người lái Luna 9 trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng.
Mỹ, cường quốc đối địch với Liên Xô vào thời điểm đó, không muốn chịu lép vế. Ngày 29/7/1958, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) được thành lập, mục tiêu giúp Mỹ chạy đua với Liên Xô trong cuộc đua khám phá vũ trụ.
Thua kém Liên Xô trong sứ mệnh phóng vệ tinh và đưa con người vào không gian, NASA đặt ra mục tiêu đưa người Mỹ lên Mặt Trăng trước Liên Xô. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, thậm chí thảm họa nghiêm trọng, tháng 7/1969, tàu Apollo 11 đã hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng, giúp 3 phi hành gia người Mỹ in những dấu chân đầu tiên lên Mặt Trăng.
Kể từ thời điểm đó, các cường quốc về không gian đều xem Mặt Trăng như một mục tiêu nhắm đến để thể hiện sức mạnh về công nghệ và khả năng khám phá không gian của mình.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 5 quốc gia thành công trong việc đưa tàu vũ trụ hạ cánh xuống Mặt Trăng, bao gồm Liên Xô (tàu Luna 9 vào năm 1966), Mỹ (tàu Surveyor 1 vào tháng 6/1966), Trung Quốc (tàu thám hiểm Hằng Nga 3, hạ cánh vào tháng 12/2013), Ấn Độ (tàu Chandrayaan 3, hạ cánh vào tháng 8/2023) và Nhật Bản (tàu SLIM, hạ cánh tháng 1/2024).
Mặt Trăng có thể là "trạm trung chuyển" quan trọng cho những chuyến thám hiểm không gian xa hơn
Bên cạnh những động cơ về chính trị, việc thám hiểm và khám phá Mặt Trăng cũng giúp các nhà khoa học có thể tìm hiểu kỹ hơn về vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất, giúp con người trả lời những câu hỏi như "Mặt Trăng được tạo ra như thế nào?"; "bề mặt có những thành phần gì?"; "Trái Đất nhìn từ Mặt Trăng sẽ trông ra sao?"...
Trong sứ mệnh khám phá Mặt Trăng của tàu Apollo 12 vào tháng 11/1969, các phi hành gia đã mang về những mẫu đất và đá từ Mặt Trăng. Những sứ mệnh Apollo sau đó đã mang về Trái Đất tổng cộng 382kg vật chất từ Mặt Trăng.
Quá trình nghiên cứu những mẫu vật từ Mặt Trăng đã giúp các nhà khoa học xác định được cách hình thành của lớp vỏ, những vật thể đã va vào Mặt Trăng…
Những mẫu vật được 2 robot của NASA là Clementine và Lunar Prospector thu thập trong sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng vào năm 1990 cho thấy những dấu hiệu nước đã tồn tại nơi đây.
Nơi đâu có nước, ở đó có sự sống hoặc ít nhất có khả năng duy trì sự sống một thời gian. Nước được tạo ra từ Hydro và Oxy (H2O), do vậy các nhà khoa học cho rằng có thể tách nước trên Mặt Trăng thành Hydro để tiếp thêm nhiên liệu cho tàu vũ trụ và khí Oxy cho các phi hành gia.
Điều này cho phép Mặt Trăng trở thành một "trạm trung chuyển" quan trọng cho các tàu thám hiểm trước khi thực hiện các chuyến du hành xa hơn đến phần còn lại của hệ mặt trời.
Thám hiểm Mặt Trăng cho mục đích du lịch
Các hãng công nghệ hàng không vũ trụ như SpaceX và Blue Moon đã thực hiện những chuyến bay để đưa du khách vào thám hiểm không gian, với mức giá lên đến hàng triệu USD cho một vé.
Hãy thử tưởng tượng nếu có thể thực hiện những chuyến bay du lịch để thám hiểm Mặt Trăng, số tiền mà các công ty hàng không vũ trụ này thu về sẽ rất lớn. Tuy nhiên, để thực hiện được những chuyến bay như vậy, SpaceX hay Blue Moon cũng sẽ phải đầu tư hàng tỷ USD để nghiên cứu, thử nghiệm các chuyến bay đưa con người lên Mặt Trăng an toàn.
Nếu quá trình thử nghiệm thành công, Mặt Trăng chắc chắn sẽ là một điểm đến du lịch đầy hấp dẫn cho những vị tỷ phú, khi các địa điểm du lịch thông thường trên Trái Đất đã không còn sức hấp dẫn đối với họ.
Vì sao con người vẫn chưa thể quay trở lại Mặt Trăng?
Lần cuối cùng có người đặt chân lên Mặt Trăng là vào tháng 12/1972, khi tàu vũ trụ Apollo 17 đưa 3 phi hành gia người Mỹ là Eugene Cernan, Harrison Schmitt và Ronald Evans đáp xuống Mặt Trăng.
Như vậy, đã hơn nửa thế kỷ khi lần cuối cùng con người đặt chân xuống Mặt Trăng, tại sao đến nay vẫn chưa có người nào quay trở lại nơi này, dù trình độ khoa học công nghệ ở thời điểm hiện tại đã phát triển hơn rất nhiều so với 50 năm trước.
Một trong những nguyên do đó là chính phủ các quốc gia không còn mặn mà với cuộc đua đưa người lên Mặt Trăng như trước, thay vào đó họ muốn đưa các tàu thám hiểm không người lái lên Mặt Trăng để khám phá về nơi này, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn an toàn của những chuyến phóng tàu vũ trụ đưa con người lên không gian ngày càng trở nên khắt khe, khiến việc thực hiện những chuyến bay xa và đầy rủi ro lên Mặt Trăng không còn được thực hiện.
Tuy nhiên, như trên đã đề cập, với tham vọng đưa con người lên du lịch tại Mặt Trăng của các công ty tư nhân như SpaceX hay Blue Moon, chắc hẳn ngày con người đặt chân trở lại Mặt Trăng sẽ không còn xa.