Hình ảnh một con sư tử đực và một con sư tử cái đi cạnh nhau có thể khiến bạn ngay lập tức đưa ra nhận định về sự khác biệt giữa đực - cái trong tự nhiên.
Theo đó, con đực dường như luôn to lớn hơn, khỏe hơn, hung dữ hơn, vì chúng đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng, giúp duy trì giống loài và bảo vệ các cá thể trong bầy.
Trong cuốn sách nổi tiếng "Hậu duệ của con người", Charles Darwin tự tin tuyên bố rằng động vật có vú đực hầu hết đều lớn hơn con cái. Lúc đầu, lý thuyết này - được gọi là lưỡng hình kích thước giới tính (SSD) - dường như hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, nghiên cứu dựa trên hơn 400 loài động vật có vú lại cho thấy một kết quả đáng ngạc nhiên. Tại đó, con đực không phải lúc nào cũng lớn hơn con cái như ta vẫn lầm tưởng.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ 45,1% số loài có con đực lớn hơn con cái, tức chưa được 1/2 trong tổng số. Còn lại, 38,7% các loài động vật có vú có kích thước con đực và con cái tương đồng, và 16,2% có con cái lớn hơn con đực.
Ví dụ về sự khác biệt kích thước giữa 2 cá thể đực - cái thể hiện ở loài dơi mũi ống (tên khoa học: Murina peninsularis), khi con cái nặng hơn con đực 1,4 lần. Ở chiều ngược lại, loài hải cẩu voi phương bắc (Tên khoa học: Mirounga angustirostris) có con đực nặng gấp 3,2 lần con cái.
Tuy nhiên, hầu hết các dị hình giới tính không biểu hiện theo cách cực đoan như vậy. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng một nửa số loài trong bộ gặm nhấm (bộ có số lượng loài lớn nhất trong nghiên cứu này) có con đực và con cái cùng kích thước.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng kết quả trên đã bác bỏ quan điểm cố hữu, rằng hầu hết con đực đều lớn hơn con cái ở động vật có vú. Ngay cả khi dị hình giới tính xảy ra, con đực có xu hướng lớn hơn, nhưng cũng không xảy ra ở mức độ quá khác biệt.
Một giả thuyết được các nhà nghiên cứu đưa ra, rằng ở một số loài, con đực cần chiếm ưu thế để giành bạn tình, nên chúng đã phát triển với kích thước vượt trội. Tuy nhiên ở một số loài, thì cá thể cái lại đóng vai trò quan trọng hơn, và chúng thể hiện về mặt kích thước.