Liên quan đến vụ việc cô gái tên N.T.K.T. (21 tuổi, ngụ TPHCM) gửi đơn tố cáo bác sĩ N.Q.C., công tác tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM , đến ngày 25/8, phía bệnh viện đang khẩn trương xác minh, làm rõ theo chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an TPHCM cũng vào cuộc điều tra.
Xem thêm: Cô gái 21 tuổi tố bác sĩ gợi ý 'cho vui vẻ' mới đưa thuốc trị ung thư cho mẹ
Biết bác sĩ N.Q.C. thông qua mẹ ruột
Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM khẳng định với phóng viên Dân trí, bác sĩ N.Q.C. không được giao điều trị cho bệnh nhân Th. (55 tuổi, mẹ cô gái tên T.). Người phụ trách trường hợp này là bác sĩ Phó trưởng khoa Y học hạt nhân.
Ngoài ra, loại thuốc tên "Lenvaxen 10" do bác sĩ C. đưa cho con gái bệnh nhân cũng không phải là thuốc của bệnh viện, nên không có chuyện "bán nội bộ, có kê toa và giám sát của bác sĩ".
Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao bác sĩ C. dù không được phía bệnh viện giao điều trị trực tiếp nhưng vẫn theo dõi hồ sơ bệnh án của người bệnh và được con gái của bệnh nhân nghe theo, kể cả việc chỉ định loại thuốc phải dùng?
Trao đổi với phóng viên tối 25/8, N.T.K.T. cho biết, dù sự việc đã xảy ra hơn 4 tháng nhưng đến nay bản thân cô vẫn còn buồn và mệt mỏi, không ngủ được, có dấu hiệu của tình trạng trầm cảm.
T. chia sẻ, cô biết đến bác sĩ C. thông qua chính mẹ ruột của mình. Cụ thể, vào năm 2021 khi sức khỏe suy giảm sau mổ khối u, bà Th. đã chuyển cho con gái số điện thoại của bác sĩ C., giới thiệu đây là người từng điều trị cho mình, để con tiện trao đổi, chăm sóc sức khỏe cho mẹ.
Xem thêm: Tạm dừng công tác chuyên môn bác sĩ bị tố cáo xâm hại cô gái 21 tuổi ở TP.HCM
Đến tháng 3 năm nay, khi mẹ của T. phát hiện bệnh ung thư tuyến giáp đã xâm lấn khí quản, cô gái tiếp tục trao đổi với bác sĩ C. để nhờ hỗ trợ. Ngoài ra, T. còn liên hệ với một bác sĩ Phó trưởng khoa Y học hạt nhân của Bệnh viện Ung bướu TPHCM để trao đổi bệnh tình của mẹ.
Tuy nhiên theo cô gái, bác sĩ Phó trưởng khoa trên phải điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nên khá bận, việc liên lạc, trao đổi qua điện thoại thường bị ngắt quãng. Trong khi đó, bác sĩ C. lại nói chuyện, trao đổi bệnh tình của mẹ cô rất nhiệt tình.
Vì sao con bệnh nhân tin loại thuốc "lạ"?
Thời điểm tháng 4, bác sĩ C. xem hồ sơ bệnh án và thông báo bệnh của mẹ T. đã "hết cách", chỉ dùng loại thuốc nhắm trúng đích của ông này đưa mới có thể kéo dài sự sống.
Người con cũng cho biết đã lên mạng tìm thuốc theo hoạt chất được bác sĩ cung cấp (levantinib) và phát hiện có nhiều nơi rao bán, với các tên thuốc khác nhau.
Tuy nhiên, T. nghe bạn bè nói thuốc này phải có sự kê toa, chỉ định của bác sĩ mới được phép sử dụng. Ngoài ra cũng theo cô gái, thời điểm trên, các bệnh viện mà cô đưa mẹ đi trước đó đều nói phải đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Ung bướu TPHCM điều trị.
Do đó, cô quyết định chọn nghe theo hướng dẫn của bác sĩ trên.
"Lúc bác sĩ C. đưa thuốc cho tôi, tôi mới biết thuốc có tên chính xác là Lenvaxen 10. Tôi mang về cho mẹ uống khoảng nửa hộp. Đến tháng 5 thì mẹ tôi bị ho ra máu, tắc đờm, khó thở, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Bác sĩ nói đáng lẽ ra mẹ tôi phải nhập lại Bệnh viện Ung bướu trước, để xem có bị kháng iod phóng xạ không mới xài thuốc trên. Và thuốc bác sĩ C. đưa cho tôi ở Chợ Rẫy cũng có", cô gái tên T. kể.
Người tố cáo cho biết, bản thân rất bức xúc, "cạn lời" trước việc bị bác sĩ C. lợi dụng tâm lý lo lắng, muốn cứu mẹ bằng mọi giá của mình để xâm hại tình dục. T. cho rằng bác sĩ C. đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy định khám chữa bệnh, nên mong pháp luật vào cuộc xử lý.
"Hiện tại, mẹ tôi bị ho hoài, phải ăn qua đường ống, sức khỏe rất kém. Tuần sau tôi sẽ đưa mẹ vào Bệnh viện Ung bướu kiểm tra lại", cô gái 21 tuổi chia sẻ.
Liên quan đến sự việc trên, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã làm việc với bác sĩ N.Q.C., yêu cầu giải trình các nội dung phản ánh trong đơn. Tuy nhiên, bác sĩ C. không thừa nhận hành vi xâm hại tình dục, chỉ cho biết có tư vấn và cho tặng thuốc cho mẹ của T. tại nhà riêng của ông này.