Vì sao chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung?

Thanh Thành| 05/08/2022 02:00

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan, bất chấp các cảnh báo đáp trả từ Trung Quốc, được dự đoán sẽ càng khiến căng thẳng Mỹ - Trung quanh vấn đề eo biển Đài Loan nóng lên.

Vì sao chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung? - 1

Bà Nancy Pelosi (vest hồng) cùng phái đoàn Mỹ tại sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc (Đài Loan) hôm 2/8 (Ảnh: AFP).

Hình ảnh Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bước xuống từ chuyên cơ với mã hiệu SPAR19 đã thu hút sự chú ý của thế giới do những tuyên bố nảy lửa của cả Washington và Bắc Kinh xung quanh chuyến đi này.

Thậm chí, trong suốt hành trình 7 giờ bay, chuyến bay thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi và đã khiến website theo dõi hàng không FlightRadar24 sập vì quá tải.

Ngay sau khi bà Pelosi có mặt tại Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án chuyến thăm này, nói rằng điều này "làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng nền tảng chính trị của quan hệ Trung - Mỹ".

Trung Quốc cũng đã triệu tập Đại sứ Mỹ để phản đối chuyến thăm này, còn quân đội nước này lập tức thông báo tập trận bắn đạn thật tại 6 vùng biển và bầu trời xung quanh đảo Đài Loan vào các ngày 4-7/8. Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc cũng đã thông báo về đợt tập trận vào ngày 2-6/8.

Vì sao chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi lại thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung? Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này.

Bà Pelosi đã trở thành quan chức cấp cao nhất ở Mỹ từng đến Đài Loan sau 25 năm, kể từ chuyến thăm của người tiền nhiệm Newt Gingrich năm 1997. Bà Pelosi là một thành viên Dân chủ, giống Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuy nhiên, ông Gingrich thuộc đảng Cộng hòa và sau đó là Chủ tịch Hạ viện dưới chính quyền của Tổng thống Dân chủ Bill Clinton. Ngay trước chuyến thăm Đài Loan, ông Gingrich cũng đã đến thăm Bắc Kinh khi Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân mô tả quan hệ Mỹ - Trung đang ở trạng thái "nắng sau mưa".

Hôm 1/8, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân nói với các phóng viên rằng, chuyến thăm của bà Pelosi không thể so sánh với chuyến thăm của ông Gingrich, và nhấn mạnh "không thể lặp lại sai lầm trước đó".
Bắc Kinh coi bất kỳ liên hệ chính thức nào với Đài Loan là sự công nhận chính quyền của hòn đảo này, mặc dù Washington vẫn khẳng định không thay đổi chính sách "Một Trung Quốc".

Vào thời điểm ông Gingrich thăm Đài Loan vào tháng 4/1997, Trung Quốc đang tập trung vào những ưu tiên khác. Bắc Kinh khi đó chuẩn bị cho việc Anh bàn giao Hong Kong vào ngày 1/7/1997. Trung Quốc bấy giờ cũng tìm cách thoát khỏi tình trạng bị cô lập ngoại giao 8 năm sau vụ Thiên An Môn.

Hơn 25 năm sau, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và sở hữu tiềm lực quân sự được cải thiện đáng kể. Với vị thế mới này, Bắc Kinh kiên quyết không xuống thang trong vấn đề Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ chờ sáp nhập.

Thời gian của chuyến thăm của bà Pelosi cũng diễn ra chỉ vài tháng trước khi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc, được cho là sẽ được tổ chức vào tháng 11. Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3. Và việc thống nhất Đài Loan là một mục tiêu của chính quyền của ông Tập.

 Vị thế chính trị của Mỹ

Nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như đang ngày càng căng thẳng với Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước đã tồn tại nhiều bất đồng trong những năm gần đây và đặc biệt nguội lạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump. Những mâu thuẫn đó chưa được giải quyết.

Gần đây, khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Washington thường xuyên đặt câu hỏi về lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột và cũng đã thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các công ty Trung Quốc vì những vấn đề ở Tân Cương.

Trung Quốc trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt "ăn miếng trả miếng" đối với các công ty Mỹ, nói rằng Washington nên "ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh".

Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ là điểm gây áp lực mới nhất trong quan hệ giữa hai nước, nhưng cũng là cơ hội để bà Pelosi thu hút sự ủng hộ chính trị và tìm lại vị thế cho nước Mỹ.

Trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay của Mỹ, đảng Dân chủ đối mặt với viễn cảnh mất thế đa số tại Hạ viện. Bà Pelosi, 82 tuổi, có thể sẽ không tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử này.

Đầu tháng trước, kế hoạch thăm Đài Loan của bà đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Washington, bao gồm cả từ chính ông Gingrich. Các nghị sĩ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cho rằng, lãnh đạo Quốc hội Mỹ không nên nhượng bộ trước áp lực từ Trung Quốc.

Khi đến Đài Loan, bà Pelosi cũng nhấn mạnh chuyến thăm này hoàn toàn không trái với chính sách lâu dài của Mỹ.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/vi-sao-chuyen-tham-dai-loan-cua-ba-pelosi-thoi-bung-cang-thang-my-trung-20220804191728471.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/the-gioi/vi-sao-chuyen-tham-dai-loan-cua-ba-pelosi-thoi-bung-cang-thang-my-trung-20220804191728471.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO