Hôm 11/3 vừa qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức gặp mặt giữa câu lạc bộ Công an Hà Nội, Thể Công Viettel và Hà Nội FC để lắng nghe ý kiến các bên liên quan.
Hiện nay, theo yêu cầu từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), sân Hàng Đẫy chỉ tối đa 2 đội bóng chọn làm sân nhà.
Trong khi đó, ở mùa giải năm nay, Công an Hà Nội, Thể Công Viettel và Hà Nội đều chọn sân Hàng Đẫy làm sân nhà. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng mặt sân, cách xếp lịch thi đấu của ban tổ chức giải. Do vậy, sẽ có một đội bóng phải chuyển đi.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 4 sân vận động là Mỹ Đình, Hàng Đẫy, Hà Đông và Thanh Trì. Tuy nhiên, sân Thanh Trì không đảm bảo điều kiện thi đấu của V.League. Chỉ còn 3 sân có thể sử dụng là Mỹ Đình, Hàng Đẫy và Hà Đông.
Trên lý thuyết, mỗi đội bóng đều có thể có sân nhà cho riêng mình mà không cần dùng chung với đối thủ. Tuy nhiên, các đội bóng lại "hờ hững" với Mỹ Đình dù đây là sân vận động quốc gia, có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn so với nhiều sân vận động Hàng Đẫy.
Lý do xuất phát từ mức chi phí thuê sân Mỹ Đình quá cao, có thể ảnh hưởng đến ngân quỹ của các câu lạc bộ.
Thông thường, trong mỗi trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam, VFF và Khu liên hợp Thể thao quốc gia đều kí hợp đồng thuê sân với giá lên tới 800 triệu đồng.
Như vậy, có thể hình dung ra số tiền mà câu lạc bộ Hà Nội từng chi trả để thuê sân vận động Mỹ Đình cho 3 trận đấu tại AFC Champions League năm ngoái là không dưới 2,4 tỉ đồng.
Ngoài ra, số tiền này cũng không nhỏ nếu các đội có thể tiến sâu tại AFC Cup - đấu trường được cho là vừa sức với bóng đá Việt Nam.
Tại V.League, khi tính chất tổ chức giải đấu cấp quốc gia có phần đơn giản hơn (không áp dụng quy định khắt khe như giải quốc tế có sự giám sát của AFC), số tiền các đội phải chi trả để thuê sân cho 1 trận đấu có thể sẽ thấp hơn mức 800 triệu đồng.
Dù vậy, nếu tính cả đấu trường V-League và Cúp Quốc gia, một đội bóng sẽ thi đấu không dưới 14 trận trên sân nhà. Số tiền thuê sân lúc này tăng theo cấp số nhân.
Ngoài ra, đội bóng chọn sân Mỹ Đình làm sân nhà vẫn phải chăm sóc toàn bộ mặt cỏ, chi phí này không rẻ.
Ông Nguyễn Trọng Hổ - Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình cho biết: "Về việc các đội bóng thuê sân, chúng ta cần xác định rõ hợp đồng kí 1 năm, 1 tháng hay 1 trận như thế nào, chi phí sẽ khác nhau.
Phía Khu Liên hợp phải mời đơn vị thẩm định, đấu thầu, đấu giá vào làm việc. Sau khi thẩm định, đấu thầu, đấu giá xong rồi mới cho thuê. Quan trọng là bên phía thẩm định giá sân là bao nhiêu mới quyết được, trong đó tổng số tiền thu về ít nhất phải đủ để chi ra.
Chúng tôi phải nộp tiền thuế giá trị gia tăng, thuế dân số, thuế đất (rơi vào mấy trăm triệu), thuế kho tài sản, điện nước..., từ đó tính toán để ra con số có lãi. Sau đó, chúng tôi mới có thể quyết được số tiền chính thức để đưa ra với các bên thuê".
Ông Hổ cũng cho hay, hiện tại, chưa có đội bóng nào liên hệ với Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia để đề xuất việc thuê sân Mỹ Đình.
Tuy nhiên, còn một lý do khác khiến cho các đội bóng không muốn chọn sân Mỹ Đình. Hiện tại, sân vận động quốc gia có sức chứa 40.000 khán giả. Dĩ nhiên, không đội bóng nào, không trận đấu nào tại V.League có thể thu hút ngần ấy người hâm mộ đến sân. Nhiều khoảng trống xuất hiện trên khán đài không phải hình ảnh mà các đội bóng mong muốn. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là đơn vị quyết định 2 đội bóng nào sẽ thi đấu trên sân Hàng Đẫy mùa tới. Câu trả lời sẽ được đưa ra trước khi mùa giải 2023-2024 kết thúc. Đội bóng rời đi nhiều khả năng sẽ chọn sân vận động Hà Đông làm sân nhà.