Vì sao các bệnh viện thiếu huyết thanh kháng nọc rắn?

ANH ĐÀO| 24/05/2022 08:50

Mới đây, một bé gái 45 tháng tuổi tại Phú Yên bị rắn cạp nia cắn nhưng không thể kiếm được huyết thanh kháng nọc rắn này, dẫn đến bé tử vong. Vậy tại sao hiện nay các lọai huyết thanh kháng nọc rắn ở các bệnh viện lại thiếu?

ran-cap-nia-16257444186241037760862.jpeg
Rắn cạp nia có độc cực mạnh có thể gây tử vong - Ảnh: Internet

Không có huyết thanh điều trị 

Ngày 16/5, Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên tiếp nhận bé N.N. (45 tháng tuổi, ở xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) nhập viện với tình trạng lơ mơ, khó thở, có dấu hiệu ngưng thở do bị rắn cắn. Bệnh viện phải can thiệp đặt nội khí quản ngay cho bé.

Theo thông tin gia đình cung cấp, khi bé T. đang ngủ trong nhà thì bị một con rắn bò vào cắn. Từ hình ảnh do người nhà bé chụp lại, bệnh viện xác định đó là rắn cạp nia, một loại rắn rất độc.

Ông Phạm Văn Minh - giám đốc Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên - cho biết tại đây lẫn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đều không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.

"Chúng tôi liên lạc với cả 2 bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 ở TP.HCM, nhưng trong đó cũng không có huyết thanh kháng nọc độc loại rắn này, vì vậy không chuyển viện cho bé được" - BS Minh nói.

Sau gần 1 tuần nằm viện, tình trạng bé T. quá xấu, được gia đình xin đưa về nhà.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP – cho biết trừ một số loài rắn có nọc độc gọi là rắn độc, còn lại đa số rắn thường không nguy hiểm gọi là rắn lành. Điều cần thiết là phải nhận dạng loại rắn đó là rắn gì để kịp thời thông báo cho nhân viên y tế để điều trị bằng kháng huyết thanh phù hợp.

Rắn độc có 2 họ bao gồm: họ rắn hổ (rắn hổ đất, hổ chúa, hổ mèo, cạp nong, cạp nia) và họ rắn lục (rắn lục xanh, chàm quạp).

27840908931072420595421687673177018771613513n-1650345098833626381005.jpeg
Trẻ bị rắn cắn đang được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện nhi - Ảnh: BVCC

Thiếu huyết thanh kháng nọc nhiều loại rắn

Huyết thanh kháng nọc rắn là thuốc giải nọc độc rắn, tức là chế phẩm chứa các globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu nọc rắn tương ứng, lấy được từ huyết thanh gia súc khỏe mạnh (ngựa, cừu, la, lừa) đã được miễn dịch với nọc rắn.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương – trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM – cho biết bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong và cạp nia, còn các loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, rắn lục đen, rắn chàm quạp ... bệnh viện có.

Tình trạng thiếu 2 loại huyết thanh kháng nọc rắn trên xảy ra từ lâu, do huyết thanh kháng nọc không được nhập về.

Khi không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, các bác sĩ sẽ điều trị cho bệnh nhân theo triệu chứng, bệnh nhân sẽ được thở máy khoảng hai tuần, thay huyết tương, truyền chế phẩm đông máu…

Theo bác sĩ Phương nguyên nhân của việc không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong, cạp nia chủ yếu là do rất ít trường hợp bị rắn cắn, loại rắn này có thể điều trị thay thế bằng phương pháp khác. Nhiều doanh nghiệp không đứng ra nhập về vì sợ lỗ.

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia từ 1 năm nay. Loại huyết thanh này được nhập từ nước ngoài, cụ thể là Thái Lan. Hiện tại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyết thanh kháng cạp nia chưa được sản xuất, Việt Nam chưa thể nhập được do vậy không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Hùng có huyết thanh kháng nọc rắn thì việc điều trị sẽ nhanh và hiệu quả hơn, nếu không có sẽ điều trị lâu hơn. Hiện tại, nếu trường hợp bị cạp nia cắn, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phương pháp là thở máy cho đến khi bệnh nhân giải được hoàn toàn độc tố trong người.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đến muộn quá rơi vào tình trạng chết não, tiên lượng tử vong rất cao. Việc cứu sống bệnh nhân được hay không phụ thuộc vào thời điểm bệnh nhân đến bệnh viện, lượng độc tố đi vào người.

Cũng theo TS Hùng hiện nay bệnh viện thiếu cả huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa do chưa được nhập về tương tự như rắn cạp nia.

Bác sĩ Vũ Hiệp Phát - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết hiện một số loại rắn có độc như rắn lục tre, rắn hổ, chàm quạp... có huyết thanh kháng nọc độc.

Nạn nhân bị các loài rắn độc này cắn vào viện được truyền huyết thanh giải độc ngay thì hiệu quả điều trị rất cao, chỉ khoảng 2-3 ngày là ổn định sức khỏe.

Một lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP cũng cho biết bệnh viện đang thiếu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia và hổ mèo.

Theo các bác sĩ, hiện nay ngành nghiên cứu sản xuất huyết thanh kháng độc rắn chưa được Việt Nam chú trọng đầu tư. Lý do là ngành này đòi hỏi đội ngũ nhân lực cũng như khả năng tài chính lớn. Một loại huyết thanh trước khi thành sản phẩm thương mại phải trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm, chi phí rất lớn.

Các bác sĩ khiến nghị đề xuất Bộ Y tế phải đứng ra để lo vì đây là những loại thuốc “cấp cứu” cho bệnh nhân.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao các bệnh viện thiếu huyết thanh kháng nọc rắn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO