Trong một bài báo được đăng tải năm 2016 trên tạp chí Oceanography, các nhà nghiên cứu cho biết họ thực sự bối rối khi chứng kiến sự hiện diện của đông đảo quần thể cá mập ở khu vực gần miệng núi lửa.
Điều này phổ biến đến nỗi, họ phải cân nhắc lại những đánh giá về toàn bộ hệ sinh thái của các khu vực có núi lửa dưới biển đang hoạt động, cũng như môi trường khắc nghiệt - nơi các loài động vật biển lớn tồn tại.
Điển hình như ngọn núi lửa Kavachi đang hoạt động ở quần đảo Solomon, từ lâu đã là nơi cư trú thường xuyên của cá mập. Trong những ngày gần đây, hàng loạt các hình ảnh từ vệ tinh của NASA đã phát hiện ra những vệt nước đổi màu dữ dội trên mặt biển. Đây chính là dấu hiệu cho thấy hoạt động của núi lửa, hay cụ thể hơn là những vụ phun trào đang liên tiếp diễn ra.
Thế nhưng những cư dân của hòn đảo lại khẳng định rằng họ vẫn thường xuyên nhìn thấy một lớp hơi nước và tro bụi trên bề mặt. Điều này cho thấy rằng cá mập vẫn đang bám đầy dưới bề mặt nước biển, chứ không hề rời đi trước những tác động của môi trường khắc nghiệt.
Theo một nghiên cứu từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) thực hiện, các chùm nước ấm, có tính axit của núi lửa chứa các vật chất dạng hạt, gồm các mảnh đá núi lửa và lưu huỳnh.
Chính những vật chất này sau đó đã thu hút các cộng đồng vi sinh vật phát triển mạnh, từ đó cũng thu hút cả các loài cá từ nhỏ đến lớn. Cá mập cũng không ngoại lệ, khi chúng thường xuyên bị thu hút và cảm thấy "an toàn" một cách kỳ lạ ở khu vực này. Có thể tại đây ít có sự can thiệp của con người, cũng như các hoạt động đánh bắt cá một cách thường xuyên.