Chương trình huấn luyện cá heo của Nga
Sau khi xem xét các hình ảnh vệ tinh về Sevastopol - một cảng quan trọng ở bản đảo Crimea, Viện Hải quân Mỹ đánh giá rằng Moscow đã triển khai những con cá heo được huấn luyện để bảo vệ một căn cứ hải quân của họ ở Biển Đen khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng từ Ukraine.
Ảnh chụp vệ tinh được cho là giúp phát hiện ra việc Nga triển khai cá heo bảo vệ căn cứ hải quân Sevastopol ở Biển Đen. Ảnh USNI News |
Nhà phân tích tàu ngầm H.I. Sutton cho biết, 2 chuồng cá heo có thể đã được vận chuyển đến cảng Sevastopol vào tháng 2, cùng tháng Nga phát động chiến dịch đặc biệt vào Ukraine.
Theo Moscow Times, Nga đã huấn luyện động vật biển có vú từ thời Liên Xô. Vào cuối những năm 1960, Liên Xô đã sử dụng cảng Sevastopol làm căn cứ để huấn luyện cá heo và cá voi tham gia vào các hoạt động như tìm kiếm mìn và đặt chất nổ, và người ta cũng tin rằng Liên Xô đã huấn luyện các sinh vật biển này để tiêu diệt các mục tiêu dưới nước.
Tuy nhiên, chương trình này được cho là đã bị "lãng quên" khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990. Năm 2012, Nga đã bác bỏ một báo cáo cho rằng họ đang phát triển một chương trình huấn luyện quân sự cho cá heo tấn công thợ lặn đối phương bằng vũ khí gắn trên đầu.
Một huấn luyện viên làm việc với một con cá heo từng thuộc về Hải quân Liên Xô tại quân cảng Sevastopol. Ảnh Reuters |
Trước khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, thủy cung ở Sevastopol - khi đó vẫn thuộc Ukraine - đã huấn luyện cá heo bơi cùng những trẻ em có nhu cầu đặc biệt và đã được sử dụng trong nhiều buổi trị liệu tâm lý khác nhau.
Tuy nhiên, sau khi Nga sáp nhập Crimea bao gồm cả Sevastopol, một nhân viên tại thủy cung nói với hãng thông tấn RIA Novosti của Nga rằng, những con cá heo và hải cẩu một lần nữa lại được huấn luyện quân sự.
Người này cũng cho biết thêm rằng, các kỹ sư đang làm việc để phát triển chương trình huấn luyện các loài động vật biển có vú để tìm kiếm các vật thể bị chìm dưới nước và thợ lặn của đối phương bằng cách sử dụng hệ thống liên lạc sonar.
Năm 2019, ông Viktor Baranets, một đại tá của Nga, đã xác nhận với một đài truyền hình nhà nước rằng: "Chúng tôi huấn luyện cá heo quân sự cho các vai trò chiến đấu, chúng tôi không che đậy điều đó. Ở Sevastopol, chúng tôi có một trung tâm quân sự huấn luyện cá heo để giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ phân tích đáy biển đến bảo vệ một vùng nước, tiêu diệt thợ lặn nước ngoài, gắn mìn vào thân tàu nước ngoài”.
Những nước nào huấn luyện động vật biển cho mục đích quân sự?
Một con cá heo mũi chai nhảy lên khỏi mặt nước khi đang được huấn luyện rà phá bom mìn ở Vịnh Ả Rập vào năm 2003. (Brien Aho/Hải quân Mỹ/Reuters) |
Có hai cơ sở huấn luyện cá heo quân sự được biết đến trên thế giới, một ở Sevastopol và một ở Trung tâm Chiến tranh Thông tin Hải quân Mỹ ở San Diego. Hải quân Mỹ đã huấn luyện cá heo và sư tử biển kể từ sau chiến tranh Việt Nam.
Năm 1969, một dự án được gọi là Dự án Deep Ops được khởi động trong đó 2 con cá voi sát thủ và một con cá voi phi công được huấn luyện để lấy các vật thể bị chìm xuống đại dương mà máy móc và thợ lặn không thể tiếp cận. Các loài động vật như sư tử biển California và cá heo mũi chai đã được sử dụng để dò mìn dưới đáy biển.
Vì sao lại là cá heo, sư tử biển hoặc cá voi?
Một thợ lặn của quân đội Ukraine huấn luyện động vật biển có vú ở bán đảo Crimea vào năm 1992. Ảnh Getty |
Có một số lý do vì sao các loài động vật biển có vú như cá heo, sư tử biển và cá voi được sử dụng cho mục đích quân sự.
Do có hệ thống liên lạc bằng sóng siêu âm và khả năng lặn sâu, các loài động vật này hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ công nghệ hiện đại nào .
“Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Putin và nhiều người nghĩ rằng cá heo là vũ khí chiến tranh”, Andrew Lambert, giáo sư lịch sử hải quân tại King's College London bình luận trên NBC News.
Cá heo được Nga triển khai ở Sevastopol, theo nhà phân tích H.I. Sutton, có lẽ được sử dụng để ngăn chặn các thợ lặn thù địch xâm nhập vào bến cảng và phá hoại các tàu chiến của Nga.
Sevastopol là căn cứ hải quân quan trọng nhất của Hải quân Nga ở Biển Đen. Cá heo có thể được giao sứ mệnh ngăn chặn lực lượng đặc nhiệm Ukraine xâm nhập bến cảng từ dưới nước để phá hoại các tàu chiến.
Bên trong cảng, nhiều tàu Hải quân Nga có giá trị cao được bố trí ngoài tầm bắn của tên lửa Ukraine nhưng dễ bị phá hoại từ dưới đáy biển.
"Đó là thế giới của chúng, chúng sẽ tìm thấy bạn dưới nước rất, rất nhanh", giáo sư Lambert giải thích.