Vì sao BQL tòa nhà không được xử phạt người không đeo khẩu trang?

Thành Trung| 28/04/2022 12:20

Đối với hành vi không đeo khẩu trang, pháp luật quy định thẩm quyền xử phạt thuộc về lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; thỏa thuận dân sự nếu vi phạm điều cấm của luật sẽ vô hiệu.

Ngày 28/4, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đang tiếp tục làm rõ vụ việc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai (Công ty Sao Mai), Ban Quản lý tòa nhà Sao Mai (ở địa chỉ 19 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) xử phạt anh V.K.D. (ở Tây Hồ, Hà Nội) về hành vi "không đeo khẩu trang khi di chuyển trong thang máy".

Về vấn đề này, UBND phường Nhân Chính khẳng định, Công ty Sao Mai xử phạt anh D. là không đúng theo quy định của pháp luật.

Vì sao BQL tòa nhà không được xử phạt người không đeo khẩu trang? - 1

UBND phường Nhân Chính khẳng định, việc Công ty Sao Mai xử phạt anh D. là không đúng theo quy định của pháp luật (Ảnh: Nguyễn Trường).

Theo luật sư Phạm Văn Phất - Văn phòng luật sư An Phát Phạm, đối với hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng được quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP thì sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu.

Đặc biệt, thẩm quyền xử phạt đối với lỗi "không đeo khẩu trang ở nơi công cộng theo hướng dẫn của cơ quan y tế" được quy định tại các Điều 103, 104, 106, 107, 108, 109, 112 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, bao gồm:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.

- Trưởng Công an cấp huyện; Giám đốc Công an cấp tỉnh.

- Chánh Thanh tra các Sở, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Chánh Thanh tra Bộ; Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Cục trưởng Cục Quản lý dược; Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ…

Chia sẻ thêm về "thỏa thuận dân sự" phạt tiền những người làm việc vi phạm nội quy, quy định tại tòa nhà Sao Mai, luật sư Phất cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự, các chủ thể trong giao dịch dân sự có quyền thỏa thuận nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

"Thỏa thuận dân sự mà theo đó một bên được thực hiện quyền xử phạt vi phạm hành chính với bên kia (hoặc người có liên quan của bên kia) là một thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật. Do đó, thỏa thuận dân sự này không được pháp luật bảo vệ. Mặt khác, anh D. cũng không phải là một bên trong giao dịch dân sự với Công ty Sao Mai" - ông Phất lập luận.

Vì sao BQL tòa nhà không được xử phạt người không đeo khẩu trang? - 2

Tòa nhà Sao Mai, nơi xảy ra vụ việc xử phạt người lao động về hành vi không đeo khẩu trang khi di chuyển thang máy (Ảnh: Nguyễn Trường).

"Giục" nộp phạt có bị coi là uy hiếp tinh thần?

Cùng chung quan điểm nêu trên, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong nội bộ tòa nhà, người quản lý cũng có thể đặt ra các quy định, nội quy, tuy nhiên cần lưu ý rằng các quy định, nội quy cũng như các thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên không được trái quy định của pháp luật.

Mặt khác, Công ty Sao Mai cũng không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật của công dân, nếu có phạt tiền thì chỉ được phép phạt với tư cách là một bên tham gia hợp đồng, chứ không phải là xử phạt vi phạm hành chính.

Về thông tin ban quản lý tòa nhà và công ty có hành động "giục", khiến cho anh D. lo sợ ảnh hưởng đến công việc nên đã nộp phạt 2 triệu đồng, luật sư Tiền cho rằng, nếu cơ quan chức năng cần xác minh hành động này có dấu hiệu của việc uy hiếp tinh thần hay không?

"Nếu có thì đây là đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản. Người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội" - ông Tiền nhận định.

Trong khi đó, luật sư Phất có quan điểm cho rằng, hành vi Công ty Sao Mai phạt tiền anh D. đã xâm phạm quyền sở hữu của anh D. và xâm phạm trật tự quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thông tin ban đầu cho thấy, cả người thu tiền và người nộp tiền đều xuất phát từ hạn chế trong hiểu biết về pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

"Nếu chỉ do vấn đề hạn chế về nhận thức pháp luật thì mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó chưa đến mức có dấu hiệu của tội phạm. Tuy nhiên, nếu sau khi đã được các cơ quan chức năng giải thích, chấn chỉnh mà Công ty Sao Mai vẫn tiếp tục thực hiện hành vi đó thì câu chuyện về dấu hiệu tội phạm sẽ rõ nét hơn nhiều" - ông Phất cho hay.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao BQL tòa nhà không được xử phạt người không đeo khẩu trang?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO