Vì sao bóng bay tưởng vô hại có thể khiến nhiều học sinh ở Thanh Hóa bị bỏng?

05/09/2023 15:41

Sáng 5/9, vụ nổ bóng bay trong lễ khai giảng tại một trường tiểu học ở Thanh Hóa đã khiến 10 học sinh bị bỏng phải vào viện cấp cứu. Vì sao loại bóng tưởng vô hại lại nguy hiểm đến thế?

Như VietNamNet đưa tin, sáng 5/9, trong lễ khai giảng tại Trường Tiểu học xã Yên Phú, huyện Yên Định (Thanh Hóa), chùm bóng bay bất ngờ phát nổ khiến 10 học sinh bị bỏng.

Ông Trịnh Hữu Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết 10 học sinh gồm 7 nữ, 3 nam, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định.

Được biết, sáng nay, nhà trường có treo 2 chùm bóng bay ở hai bên cánh gà sân khấu để trang trí. Khoảng 8h45 phút kết thúc lễ khai giảng, nhiều học sinh chạy lên khu vực sân khấu để lấy bóng bay. Lúc này, một phụ huynh hút thuốc lá đi ngang qua vô tình chạm phải chùm bóng gây nổ khiến học sinh xung quanh bị bỏng.

10 học sinh bị bỏng chủ yếu ở phần cánh tay và mặt. Trong số đó, 3 em bị nhẹ, sau khi bôi thuốc đã được về nhà. 7 trường hợp còn lại đang được băng bó và điều trị tại bệnh viện.

Đa phần các em bị bỏng ở tay. Ảnh: Lê Dương 

Trước đó, nhiều vụ tai nạn tương tự đã xảy ra, nguyên nhân gây bỏng là những chùm bóng bay bơm khí hydro đầy màu sắc phát nổ. Không ít trường hợp được đưa vào viện trong tình trạng hốt hoảng, sợ hãi, bỏng ở mặt, cổ, tay, khuôn mặt trợt đỏ, mùi khét lẹt do tóc và lông mi bị cháy... Thậm chí, có vụ việc bóng bay trong xe ô tô phát nổ khiến gương kính của chiếc xe vỡ vụn.

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Trung Hiếu, Khoa Ngoại lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho hay khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn nhiệt như bóng đèn, lửa, đèn sưởi, tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy, hoặc cọ xát nhiều giữa các quả trong một chùm bóng cũng khiến nó phát nổ.

Ngoài ra, việc thay đổi môi trường như lấy bóng từ túi nylon ra, gặp không khí nóng, hoặc đi ra ngoài trời nắng, cho bóng vào phòng kín, ô tô,... là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến một trái bóng có thể nổ tung.

"Đặc biệt, khí hydro bị nén trong bóng bay khi phát nổ sẽ tỏa nhiệt rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay...", bác sĩ Hiếu cho biết.

Dù thông thường vết bỏng do bóng bay bơm khí hydro phát nổ không sâu nhưng những vị trí dễ bị nạn hay gặp như đầu, mặt, cổ, tai và hai bàn tay..., sau điều trị có thể để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.

Theo các bác sĩ, hằng năm, thời điểm các học sinh chuẩn bị ra trường sẽ có những buổi gặp mặt, tổng kết; hoặc dịp khai giảng, Trung thu, trong các buổi lễ khai trương, kỷ niệm, liên hoan..., bóng bay bơm khí hydro được sử dụng nhiều để trang trí. Dù đây là mối nguy lớn nhưng nhiều người dân lại chủ quan.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro ở trong nhà, trong xe ô tô, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn nhiệt để tránh cháy nổ, có thể nguy hiểm tới tính mạng. Nếu không may bị bỏng do nổ bóng bay bơm khí hydro thì nhanh chóng làm mát vùng da bị bỏng bằng nước máy trong 15-20 phút để giúp giảm đau và giảm thương tổn ở vị trí bỏng; sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao bóng bay tưởng vô hại có thể khiến nhiều học sinh ở Thanh Hóa bị bỏng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO