Ngày 22/9 vừa qua, tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 100% đại biểu đã đồng ý bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên gia.
Dự thảo Nghị quyết mới nhất được đưa ra bàn thảo ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã đưa ra 5 chính sách về chủ trương đấu giá biển số ô tô, trong đó có quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký.
Tại sao chưa đấu giá xe biển nền vàng?
Sau khi dự thảo được đưa ra thảo luận, có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao không đấu giá biển nền màu vàng dành cho xe kinh doanh vận tải vì số lượng những phương tiện này rất lớn, nhiều tổ chức, cá nhân cũng có nhu cầu chọn biển số theo ý thích.
Để trả lời câu hỏi này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an). Theo Thiếu tướng Đức, dự thảo Nghị quyết đề xuất chỉ đấu giá biển số cấp cho doanh nghiệp tư nhân, cá nhân là biển nền màu trắng, chữ số màu đen.
"Quá trình xây dựng dự thảo, chúng tôi cũng đã có nghiên cứu và khảo sát thực tiễn về nhóm đối tượng có nhu cầu và mong muốn sử dụng biển số đẹp. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng những xe của doanh nghiệp, cá nhân là đối tượng chính, nhu cầu tập trung vào đối tượng này", Thiếu tướng nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục CSGT, hiện nay xe biển số nền màu vàng, chữ màu đen chiếm tỷ lệ 10% trong tổng số xe đã đăng ký. Ngoài ra, trong tổng số 10% xe kinh doanh này thì đa phần là được thế chấp ngân hàng và nhu cầu để đấu giá biển số xe cũng không nhiều.
"Ở đây chúng ta có thể hiểu, khi người ta đã đi vay tiền để mua xe kinh doanh rồi thì sẽ rất ít người chịu bỏ thêm tiền ra để đi mua biển số đẹp. Cho nên, khi khảo sát xong, chúng tôi nhận thấy rằng Nghị quyết thí điểm chỉ nên tập trung vào một đối tượng thí điểm, để làm có hiệu quả nhất và trên cơ sở đó chúng ta có thể rút ra được kinh nghiệm và có thể mở rộng ra việc thí điểm trên nhiều nhóm đối tượng khác, không chỉ riêng biển số nền vàng, chữ đen... mà còn có thể đối với cả biển số xe máy", Thiếu tướng Lê Xuân Đức chia sẻ.
Quyền và nghĩa vụ người trúng đấu giá biển số xe ra sao khi hết thời hạn thí điểm?
Trước băn khoăn của người dân về việc dự thảo Nghị quyết chỉ có thời hạn 3 năm, vậy quyền lợi của người trúng đấu giá biển số xe sẽ như thế nào khi Nghị quyết đã hết thời hạn áp dụng, ông Đức cho hay, sau 3 năm khi hết thời hạn thí điểm, người trúng đấu giá biển số vẫn được thực hiện đủ quyền và nghĩa vụ đối với biển số đã trúng đấu giá, cho tới khi có quyết định mới và tới khi hết thời hạn sử dụng của phương tiện đó.
Theo đó, trường hợp có nhu cầu bán xe, người trúng đấu giá vẫn được giữ lại biển số đó để đăng ký cho xe khác.
Trường hợp muốn bán biển số thì phải bán kèm theo xe và biển số này sẽ gắn với chiếc xe được bán đến suốt đời. Quyền sở hữu chỉ được áp dụng với người trúng đấu giá biển số. Người mua, người được tặng, được thừa kế biển số đấu giá từ người trúng đấu giá chỉ được bán xe kèm biển và không có quyền giữ lại biển số.
"Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết thì người trúng đấu giá vẫn được hưởng quyền theo quy định của Nghị quyết cho đến khi hết niên hạn của phương tiện đó", lãnh đạo Cục CSGT khẳng định.
Dự thảo nghị quyết mới nhất được đưa ra bàn thảo ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã đưa ra 5 chính sách về chủ trương đấu giá biển số ô tô:
Thứ nhất, quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.
Không đưa ra đấu giá đối với một số biển số xe như: Biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, xác định công thức tính chung, áp dụng thống nhất trong tất cả trường hợp đấu giá, là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, ở TPHCM và Hà Nội là 40 triệu/biển số; các địa phương còn lại khởi điểm từ 20 triệu đồng/biển.
Thứ ba, quy định đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó.
Thứ tư, quy định quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Người trúng đấu giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá biển ô tô; được gắn vào phương tiện giao thông của cá nhân, tổ chức; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải thực hiện việc đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký xe thì sẽ bị thu hồi.
Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe) nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.
Thứ năm, số tiền thu được từ đấu giá biển số 100% nộp vào ngân sách nhà nước.