Trước câu hỏi của phóng viên Dân trí, tại sao nhiều nơi ở miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai và thậm chí cả Quảng Ninh trong hai ngày nay liên tục xuất hiện băng giá, mà đỉnh núi Fansipan (Sa Pa, Lào Cai) cao 3.143 m so với mặt biển, được coi là "Nóc nhà Việt Nam" lại không xuất hiện băng giá, mưa tuyết, kỹ sư Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết có lý do để giải thích cho hiện tượng này.
Theo ông Hải, gần trưa nay (21/2), trên đường bộ lên đỉnh Fansipan từ hướng đỉnh đèo Ô Quý Hồ trở lên đã xuất hiện băng giá phủ trắng cây rừng, lối đi. Còn trước đó, mặc dù nhiệt độ giảm xuống dưới 0 độ C và kéo dài nhưng băng giá hay còn gọi là băng tuyết không hình thành là do tại đỉnh núi Fansipan cao 3.143 m và các nhánh núi cao hơn 2.000 m trên dãy Hoàng Liên Sơn trời có mưa nặng hạt kèm theo gió lộng. Do đó, khi nước mưa rơi xuống không bám được vào cành cây, ngọn cỏ khiến băng giá không hình thành.
Gần trưa nay, mưa tại thị xã Sa Pa đồng loạt giảm về lượng. Tuyến đường bộ lên núi Fansipan chỉ còn mưa nhỏ, mưa phùn nên băng giá hình thành nhanh chóng, càng lên cao lượng băng giá thêm dày đặc hơn.
Trong khi đó tại khu vực đỉnh núi Fansipan, trời vẫn mưa mạnh hơn các nơi khác nên băng giá vẫn không xuất hiện mặc dù nhiệt độ xuống mức thấp nhất so với các khu vực khác.
Cũng theo kỹ sư Hải lý giải, theo quy luật tự nhiên, để băng giá hình thành thì điều kiện cần nhiệt độ phải dưới 0 độ C, điều kiện đủ là trời chỉ có mưa nhỏ hoặc mưa phùn ẩm. Do đó vùng núi cao Fansipan mấy ngày nay vẫn chưa thể xuất hiện mưa tuyết, băng giá.
Dự báo chiều và đêm 21/2, băng giá trên dãy núi Hoàng Liên Sơn xảy ra với cường độ mạnh hơn và sẽ lan tỏa lên đỉnh Fansipan. Đợt băng giá này khả năng còn tiếp tục xảy và kéo dài khoảng 2-3 ngày tới.
Hy vọng du khách vãn cảnh Sa Pa và Fansipan có cơ hội trải nghiệm cảm giác "mùa đông châu Âu" tại đây.