Vì sao Apple không sa thải hàng loạt như Meta, Amazon?

13/02/2023 16:33

Chiến lược tuyển dụng thông minh đã giúp Apple đứng vững giữa làn sóng cắt giảm nhân sự ồ ạt của các ông lớn công nghệ.

Công ty giá trị nhất thế giới vẫn đứng ngoài làn sóng sa thải nhân sự công nghệ trong khi các đối thủ cùng ngành ồ ạt cắt giảm lao động. Ảnh: The Malaysian Reserve.

Giữa giai đoạn tuyển dụng ồ ạt do thiếu nhân sự thời kỳ đại dịch, Táo khuyết đã thực hiện kế hoạch tuyển dụng với nhân số thấp hơn các tập đoàn công nghệ lớn khác. Bên cạnh đó, hãng công nghệ Mỹ còn thu về lợi nhuận trên đầu người lớn hơn nhưng những tên tuổi như Facebook, Google, Bloomberg cho biết.

Bloomberg nhận định sự cẩn trọng của Apple đã mang lại trái ngọt. Mặc dù ngừng tuyển dụng ở một số bộ phận và thu hẹp thu chi, tập đoàn vẫn chưa bao giờ sa thải nhân viên hàng loạt như Amazon, Alphabet, Google hay Meta.

“Điều này cho thấy ban quản lý, lãnh đạo của Apple hoạt động rất tốt so với các công ty công nghệ đánh giá sai những dấu hiệu bất ổn trong thời kỳ đại dịch”, Peter Garnry của Saxo Bank A/S nhận định.

Apple khong sa thai anh 1
Apple chỉ tuyển dụng thêm 20% nhân sự trong khi con số này là 92,4% với Meta và 93,1% với Amazon. Ảnh: Bloomberg.

Mới đây, Táo khuyết còn bổ nhiệm giám đốc nhân sự đầu tiên trong lịch sử, đồng thời tách bộ phận nhân sự từ bộ phận bán lẻ. Vị trí giám đốc nhân sự này sẽ do Carol Surface đảm nhiệm. Trong khi đó, Deirdre O’Brien sẽ tập trung phụ trách mảng bán lẻ sau nhiều năm kiêm nhiệm quản lý nhân lực tại Apple. Động thái này cho thấy tập đoàn đang dần quan tâm đến quản lý nội bộ và công tác nhân sự.

Theo Bloomberg, nhiều công ty công nghệ thừa nhận họ đã tuyển dụng quá nhiều trong đại dịch Covid-19. Họ cho rằng lối sống thay đổi như làm việc từ xa, mua sắm online, chơi game trực tuyến sẽ mang lại nguồn lợi mới cho lĩnh vực công nghệ. Nhưng hiện thực không lý tưởng như họ tưởng.

Các tập đoàn công nghệ đang phải vật lộn với một thị trường lao dốc thảm hại. Nền tảng Zoom từ một "người hùng" Internet trong đại dịch giờ đây đã sụp đổ và bị quay lưng vì vấn đề bảo mật. Mới đây, công ty này đã tuyên bố cắt giảm 1.300 nhân viên, tương đương 15% nhân sự sau khi tăng quy mô gấp 3 lần trong thời gian đại dịch để đáp ứng nhu cầu bùng nổ trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Apple lại thận trọng với mỗi đường đi nước bước của mình. Quy mô nhân sự của tập đoàn chỉ tăng 20% giai đoạn năm 2020-2022. Con số này chẳng thấm thía vào đâu so với đà tuyển dụng thêm 60% nhân viên tại Alphabet và gần 50% tại Amazon.

Mới đây, hai ông lớn công nghệ này đã tuyên bố sa thải hàng loạt. Công ty mẹ của Google cho biết sẽ sa thải khoảng 12.000 nhân viên, tương đương 6% lực lượng lao động. Trong khi đó, Amazon cũng thực hiện đợt cắt giảm lớn nhất lịch sử công ty, lên đến 18.000 người do tuyển dụng quá ồ ạt vào thời đại dịch.

Không chỉ vậy, doanh thu tính trên đầu người của Apple giai đoạn đại dịch còn cao hơn giai đoạn 3 năm trước đó. Điều này đối lập hoàn toàn với các đối thủ cùng ngành. Trong thời điểm đại dịch năm 2020-2022, doanh thu trên mỗi nhân viên của Apple đạt 2,51 triệu USD, gấp đôi so với con số 1,17 triệu USD từng đạt vào năm 2017-2019. Trong khi đó, trung bình mỗi nhân viên ở Meta chỉ tạo ra 0,79 triệu USD.

Apple khong sa thai anh 2
Doanh thu tính trên mỗi nhân viên của Apple vượt trội so với các đối thủ khác. Ảnh: Bloomberg.

Bloomberg nhận định chiến lược nhân sự thông minh vẫn không phải nguyên nhân duy nhất khiến Apple vững vàng hơn các hãng công nghệ khác. Doanh thu trung bình kiếm được cho mỗi m2 (sales per square meters - SPSM) của Apple cũng rất khả quan. Thước đo doanh số trên mỗi m2 này được sử dụng để đo lường hiệu quả quản lý của các doanh nghiệp trong việc tạo doanh thu dựa trên số lượng không gian bán hàng sẵn có.

“Tính tiết kiệm đã ăn sâu vào máu Apple. Điều này có được là nhờ chiến lược quản lý nguồn đầu tư thông minh và tập trung đầu tư mạnh vào những cơ hội phát triển tiềm năng”, nhà phân tích Shannon Cross của Credit Suisse Group AG nhận định.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Apple không sa thải hàng loạt như Meta, Amazon?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO