Đà Lạt - địa điểm du lịch quen thuộc của giới trẻ. Có người còn xem nơi đây như quê hương thứ hai, một năm phải đi vài lần cho đỡ nhớ. Lên để hít thở không khí se se lạnh, để đến check-in vài quán cafe và không thể quên ghé một quán lẩu bò hoặc lẩu gà lá é để ăn cho đỡ thèm.
Lẩu bò trứ danh ở Đà Lạt. (Ảnh: @phuot3mien)
Lẩu gà lá é cũng chẳng kém cạnh về độ nổi tiếng. (Ảnh minh họa)
Vào giờ cao điểm, các quán lẩu bò hay lẩu gà lá é luôn trong tình trạng kín chỗ, đặc biệt là những quán nổi tiếng và có thương hiệu. Thế nhưng vì sao, giữa rất nhiều món đặc sản khác của Đà Lạt, du khách vẫn dành cho 2 món lẩu này một sự ưu ái nhất định?
Các quán lẩu này luôn trong tình trạng đông khách. (Ảnh minh họa)
Lý do đơn giản thôi, vì cả 2 món này đều ngon, thậm chí là rất ngon. Giữa tiết trời se se lạnh, ngồi bên nồi lẩu nghi ngút khói, người thích ăn lẩu bò sẽ thỏa mãn với miếng sụn bò được ninh nhừ, vừa mềm vừa béo; còn người chơi hệ lẩu gà thì không khỏi xuýt xoa với miếng gà dai dai, miếng măng giòn giòn và lá é cay cay tê tê nơi đầu lưỡi.
Với món lẩu bò, các nguyên liệu phải thật mềm. (Ảnh minh họa)
Với lẩu gà, thịt phải chắc và dai. (Ảnh: @bachuaviahe)
Nếu xét về độ ngon thì 2 món này đều có những thế mạnh rất riêng. Trong khi nước lèo của lẩu bò nghiêng về độ ngọt béo thì lẩu gà lá é lại có vị ngọt thanh. Thịt bò, nạm, sườn, sụn bò được ninh nhừ mới gọi là tuyệt phẩm thì thịt gà phải đảm bảo được độ dai và chắc thịt nhưng lại không được quá khô, da phải giòn.
Ảnh minh họa
Ăn lẩu bò, ngon nhất là kết hợp với mì trứng, tàu hũ ky, rau cải thảo và cải ngọt. Vốn nước dùng của lẩu bò đã béo nên cần những loại rau có vị thanh đạm để cân bằng lại. Ngược lại, lẩu gà lá é có vị ngọt thanh nên thường ăn kèm với như măng chua, lá é the the và chén nước chấm cay nồng của tiêu và ớt.
Ảnh minh họa
Dù có nhiều khác biệt trong cách chế biến và thưởng thức nhưng tựu chung lại, 2 món lẩu này vẫn có công làm nên nét đặc sắc của ẩm thực Đà Lạt - một trong những lý do khiến dân tình mê mệt nơi này đến vậy.