Vì đâu nhiều nông dân phải ngậm ngùi chịu mất tiền tỷ?

Nguyễn Cường| 01/04/2023 09:50

Biết tưới nước nhiễm mặn vườn sầu riêng sẽ thiệt hại nặng, hậu quả kéo dài nhiều năm, thậm chí cây bị chết, nhưng người nông dân buộc phải chấp nhận vì không còn cách nào khác.

Nông dân buộc phải tưới nước nhiễm mặn cho cây

Cuối tháng 3, khảo sát tại huyện Châu Thành (Bến Tre), PV ghi nhận hàng loạt vườn sầu riêng, chôm chôm giá trị tiền tỷ bị cháy lá, thậm chí có những cây sầu riêng cao hơn tòa nhà 2 tầng bị chết. Nông dân địa phương cho biết, nước nhiễm mặn mức cao xâm nhập vào vườn gần một tháng khiến cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vì đâu nhiều nông dân phải ngậm ngùi chịu mất tiền tỷ? - 1

Những vườn sầu riêng cổ thụ bị chết do hạn mặn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Người dân đã thực hiện rất nhiều biện pháp để bảo vệ những vườn sầu riêng già trên 20 năm tuổi. Một số người xây dựng hồ kiên cố để trữ ngọt, một số dùng bạt nilon tạo thành nhưng bể tạm. Tuy nhiên dù cách nào người dân vẫn không thể ngăn chặn hoàn toàn thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Người dân cho biết, khi sầu riêng ra hoa, chủ vườn phải tháo sạch nước trong mương để đảm bảo tỷ lệ đậu quả. Tuy nhiên khi cần tưới trở lại thì nguồn nước đã bị nhiễm mặn, vì vậy nên mức độ thiệt hại trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều nhà vườn buộc phải giật bỏ trái non để giữ cây.

Ông Trần Hồng Hải (55 tuổi, ngụ xã Tân Phú, Châu Thành) cho biết, một khi cây sầu riêng nhiễm mặn thì phải mất 3 năm mới hồi được năng suất bình thường. Còn những cây chết thì phải trồng cây mới, 7 năm sau mới cho trái, vì vậy nếu cộng dồn thì những nông dân như ông Hải đều thiệt hại tiền tỷ.

Vì đâu nhiều nông dân phải ngậm ngùi chịu mất tiền tỷ? - 2

Ông Hải bên gốc sầu riêng hơn 20 năm tuổi do phải tưới nước nhiễm mặn (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Vườn sầu riêng của tôi rộng 5.000m2, nếu không bị mặn thì mỗi năm cho thu trên 500 triệu đồng. Năm nay tôi chỉ thu được hơn 100 triệu đồng.

Năm nay mặn cao, cây nào cũng cháy lá, cây yếu quá thì chết luôn. Nước vẫn chưa ngọt nhưng phải bơm tưới, vì không tưới cây cũng chết khát", ông Hải chia sẻ.

Cũng theo ông Hải, đến nay chưa thấy đơn vị nào thống kê thiệt hại hay thông báo hỗ trợ gì.

Công trình ngăn mặn không thực hiện đúng cam kết

Nhiều người dân trồng cây ăn trái ở huyện Châu Thành đều cho rằng mùa hạn mặn năm nay họ bị thiệt hại là do cống Bến Rớ (xã Tiên Long, Châu Thành) hoàn thành chậm. Dự án xây dựng cống ngăn mặn này do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 9 (Bộ NN&PTNN) làm chủ đầu tư.

Vì đâu nhiều nông dân phải ngậm ngùi chịu mất tiền tỷ? - 3

Chủ đầu tư cống Bến Rớ đã không ngăn mặn được như cam kết với địa phương (Ảnh: Nguyễn Cường).

Cống Bến Rớ là công trình có chức năng ngăn mặn từ sông Hàm Luông xâm nhập vào sông Ba Lai, trữ ngọt để tưới cho vườn sầu riêng, chôm chôm hàng nghìn ha ở huyện Châu Thành. Công trình cũng có chức năng ngăn mặn xâm nhập Trạm bơm nước thô Cái Cỏ (thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Bến Tre) với công suất 47.000 m3/ngày đêm phục vụ nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân khu vực này.

Cống Bến Rớ thuộc gói thầu XL4-JICA3 xây lắp cống Tân Phú và cống Bến Rớ, có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, khởi công từ tháng 3/2021. Theo thiết kế, dự án sẽ khép kín hệ thống thủy lợi, giúp Bến Tre không còn bị xâm nhập mặn đe dọa.

Vì đâu nhiều nông dân phải ngậm ngùi chịu mất tiền tỷ? - 4

Công trường chỉ có lác đác vài người làm việc (Ảnh: Nguyễn Cường).

Quá trình thi công công trình cống Bến Rớ đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân và môi trường. Trước đây đơn vị thi công dựng đập tạm mà không làm kênh dẫn dòng, vì vậy thuyền bè không thể lưu thông, nước trong rạch Bến Rớ bị ô nhiễm nặng. Gần đây, khi đập tạm được gỡ bỏ nhưng cửa cống lại chưa được lắp đặt, dẫn đến xâm nhập mặn vào sâu, vườn cây của bà con bị thiệt hại.

Liên quan đến những bất cập trong quá trình thi công công trình, ngày 26/4/2022, UBND tỉnh Bến Tre đã có công văn đề nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre thường xuyên theo dõi, chỉ đạo đơn vị thi công có biện pháp hợp lý thi công cống Bến Rớ, đảm bảo đến tháng 11/2022 phải ngăn được mặn, trữ ngọt.

Trong công văn, UBND tỉnh Bến Tre nêu rõ: "Trường hợp thực hiện không đúng tiến độ theo cam kết để phục vụ công tác phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2022 - 2023 thì Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 phải tự bỏ kinh phí để thực hiện công trình đập tạm ngăn mặn tại khu vực này".

Vì đâu nhiều nông dân phải ngậm ngùi chịu mất tiền tỷ? - 5

Quá thời hạn 4 tháng nhưng cửa cống vẫn chưa được lắp đặt (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ngày 29/3, tại công trường cống Bến Rớ, PV ghi nhận có một số công nhân cùng máy móc đang làm việc, cửa cống vẫn chưa được lắp đặt. Bà Lâm Thị Mỹ (66 tuổi) có nhà ngay cạnh công trường lắc đầu nói: "Vừa thi công lại được chừng 20 hôm nay thôi mấy chú ạ, cứ làm một thời gian, rồi lại nghỉ một thời gian. Khi nào thấy có nhiều đoàn đến kiểm tra thì lại làm. Tôi nghĩ nếu cứ làm liên tục thì đã xong từ năm ngoái rồi, vườn sầu riêng chúng tôi đâu bị ảnh hưởng".

Bà Mỹ cho biết, nhà bà có 1000m2 vườn trồng sầu riêng. Trước đây năm nào hoa lợi trong vườn cũng được hơn 100 triệu đồng. Mấy năm nay, do vườn cây đã chết vì hạn mặn, mất thu nhập nên chồng bà buộc phải đi tỉnh khác làm mướn.

"Năm nay vườn sầu riêng của mẹ tôi lại bị hạn mặn, cháy lá hết, không đậu trái. Vườn của mấy đứa em cũng ảnh hưởng nên chúng nó bỏ đi làm mướn hết rồi. Nếu cống Bến Rớ làm xong rồi thì năm nay chúng tôi đâu có bị thiệt hại", bà Mỹ bức xúc nói.

Vì đâu nhiều nông dân phải ngậm ngùi chịu mất tiền tỷ? - 6

Nông dân đã thực hiện nhiều biện pháp để cứu cây nhưng vẫn không tránh khỏi thiệt hại (Ảnh: Nguyễn Cường).

Theo kết quả quan trắc của Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, trong tháng 3, tại cống Bến Rớ độ mặn đạt đỉnh là 0.8‰ vào ngày 09/3. Cho đến ngày 27/3, nhận định độ mặn tại đây chỉ duy trì ở mức 0.1‰ và sẽ giảm nên đơn vị này đã ngừng quan trắc.

Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre cũng cho biết, trong trường hợp độ mặn tăng cao đột biến, đơn vị sẽ tiếp tục quan trắc trở lại.

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, sầu riêng, chôm chôm rất nhạy cảm, chỉ cần mặn trên 0.2‰ là đã bị ảnh hưởng. Thời gian qua, mặn xâm nhập trên 0.7‰, Sở NN&PTNT Bến Tre đã ghi nhận tại các vườn cây ăn trái ở huyện Tân Phú có tình trạng bị thiệt hại, cháy lá.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-dau-nhieu-nong-dan-phai-ngam-ngui-chiu-mat-tien-ty-20230331094736004.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-dau-nhieu-nong-dan-phai-ngam-ngui-chiu-mat-tien-ty-20230331094736004.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì đâu nhiều nông dân phải ngậm ngùi chịu mất tiền tỷ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO