Vị bác sĩ cứu những người đột quỵ trở về từ cõi chết

Thùy Linh| 14/02/2023 14:15

PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai được coi là người đặt nền móng cho Bộ môn Đột quỵ và bệnh lý mạch máu não.

Vị bác sĩ cứu những người đột quỵ trở về từ cõi chết
PGS Mai Duy Tôn cứu chữa cho một bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Thế Anh

Có thời điểm cứ thấy bệnh nhân đột quỵ là lắc đầu

Năm 2007, đang là bác sĩ nội trú tại Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, lần đầu tiên ông được đi nước ngoài học tập tại Bệnh viện Mayo Clinic của Mỹ. Cũng chính sau chuyến đi này, ông quyết định nghiên cứu sâu về chuyên ngành Đột quỵ.

"Thời điểm đó cứ thấy bệnh nhân đột quỵ là lắc đầu, không thấy có cơ hội cứu sống, con đường với bệnh nhân gần như dừng lại, không tử vong thì gần như tàn phế, rất khó hồi phục"- PGS Mai Duy Tôn nhớ lại.

Sang Mỹ, ông nhận thấy hệ thống y tế của họ phát triển ngoài tưởng tượng của mình, đặc biệt tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu, điều trị tốt và ít để lại di chứng. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu được ứng dụng vào lĩnh vực đột quỵ, giúp cải thiện kết quả điều trị, chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ không chỉ diễn ra trong thời gian bệnh nhân nằm viện mà còn được duy trì sau khi bệnh nhân xuất viện. Mọi bệnh nhân, kể cả người cao tuổi đều phải tự lập, không có người nhà hỗ trợ như ở Việt Nam. Họ đều phải tập phục hồi chức năng, học cách tự phục vụ bản thân từ những việc nhỏ nhặt nhất.

Từ đó, PGS Mai Duy Tôn ấp ủ quyết tâm học hỏi kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực đột quỵ của thế giới để đưa về ứng dụng tại Việt Nam, mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân đột quỵ trong nước. Ông đề xuất lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu A9 cho đi nghiên cứu chuyên sâu về đột quỵ.

Từ năm 2009, kỹ thuật tiêu huyết khối được áp dụng trên bệnh nhân đột quỵ và cho kết quả rất ngoạn mục. Nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời, sau khi sử dụng thuốc 1 tiếng đã hồi phục hoàn toàn, nói năng, sinh hoạt bình thường, 1-2 ngày sau ra viện.

PGS Mai Duy Tôn cùng đồng nghiệp cứu chữa cho người bệnh. Ảnh: Thế Anh
PGS Mai Duy Tôn cùng đồng nghiệp cứu chữa cho người bệnh. Ảnh: Thế Anh

Sự thay đổi ngoạn mục của bệnh nhân là động lực giúp PGS Mai Duy Tôn quyết tâm tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về chuyên ngành này. Năm 2009, tôi làm nghiên cứu sinh đề tài về đột quỵ và năm 2014 ông xin được học bổng của Hội Đột quỵ Châu Âu học thạc sĩ đột quỵ.

"Sang Áo học, tôi thấy hệ thống đột quỵ phát triển ngang tầm Mỹ, những gì kỹ thuật chuyên sâu nhất được áp dụng. Sau đó, Đơn vị Đột quỵ (thuộc A9) đã được thành lập, chuyên điều trị bệnh nhân đột quỵ và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu"- PGS Mai Duy Tôn chia sẻ.

Nhờ đó, việc điều trị đột quỵ ở Bệnh viện Bạch Mai càng ngày càng đạt được nhiều tiến bộ với các kỹ thuật ngang tầm khu vực. Ngày 9.11.2020, Bệnh viện Bạch Mai thành lập Trung tâm Đột quỵ trên cơ sở Đơn vị Đột quỵ thuộc Trung tâm Cấp cứu A9. Hàng nghìn bệnh nhân đã được cứu sống, nhờ những nỗ lực của PGS Mai Duy Tôn và các đồng nghiệp.

Thời gian của bệnh nhân đột quỵ là vàng. Ảnh: Thế Anh
Thời gian của bệnh nhân đột quỵ là vàng. Ảnh: Thế Anh

Cứ cứu bệnh nhân trước đã rồi tính sau

Trong thời gian ngắn hơn 2 năm, Trung tâm ra đời đã có những đóng góp cho Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt cho chuyên ngành đột quỵ toàn quốc. Hằng năm, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân đột quỵ của miền Bắc.

Các kỹ thuật chuyên sâu nhất được bệnh viện phối hợp với các Trung tâm liên quan trong bệnh viện triển khai, mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đây cũng là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Trong cuộc đời làm nghề, PGS.TS Mai Duy Tôn không thể nhớ mình đã cứu sống được bao nhiêu người bệnh bị đột quỵ. Ông quan niệm việc quan trọng trước tiên là phải tập trung cứu chữa người bệnh.

Với dân số 100 triệu, ước chừng có khoảng 200 nghìn bệnh nhân đột quỵ mới mỗi năm, việc quản lý theo dõi bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng. Với người đột quỵ, thời gian là vàng. Bệnh nhân đột quỵ cần được tiếp cận nhanh nhất với các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu chuyên sâu về đột quỵ.

"Bệnh nhân bị đột quỵ cần phải cấp cứu nhanh chóng. Không thể chờ người nhà bệnh nhân có hay chưa có tiền đóng viện phí, có bảo hiểm hay không?... Nếu bệnh nhân không có tiền thì cứ cứu trước đã rồi tính sau", PGS.TS Mai Duy Tôn chia sẻ.

Ước tính Việt Nam cần gần 400 đơn vị/trung tâm/khoa đột quỵ, nhưng thực tế hiện nay (đến 2022) mới có 125 bệnh viện có khoa đột quỵ, chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu của người bệnh.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, PGS Mai Duy Tôn mong muốn xây dựng nhiều Trung tâm/khoa đột quỵ ở các bệnh viện trên toàn quốc để khi người bệnh không may đột quỵ được tiếp cận gần nhất, sử dụng các phương pháp điều trị tốt nhất, tránh những tàn phế và di chứng đáng tiếc.

Là người đặt những viên gạch đầu tiên thành lập Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Mai Duy Tôn cũng vinh dự được cử làm Trưởng Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não thuộc Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 17.5.2022.

Mới đây, PGS Mai Duy Tôn đã được Hội Đột quỵ Thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh năm 2022 vì những đóng góp to lớn cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và Thế giới.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vị bác sĩ cứu những người đột quỵ trở về từ cõi chết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO