Theo số liệu của DataReportal, đến tháng 2/2023, Việt Nam có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet. Gần 50 triệu người trong số đó đang hoạt động tích cực trên nền tảng TikTok. Hàng chục triệu người đó cũng đang sử dụng các mạng xã hội như facbook, youtube....
Với sự phát triển rộng rãi của mạng xã hội, người người, nhà nhà đều có thể trở thành TikToker, thành “Idol TikTok”, thành Youtuber. Ở ngoài đời thực, mỗi người một công việc khác nhau, một vị thế khác nhau, nhưng ở trên mạng, vị giáo sư, tiến sĩ, hay anh lái xe ôm công nghệ, chị lao công, bà bán trà đá đều có quyền như nhau và đều có cơ hội thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình một cách rộng rãi.
Bất kể ngoài đời thực, họ là ai, thì trên thế giới ảo, họ được khoác lên mình những danh xưng mỹ miều như “nhà sáng tạo nội dung”, “chiến thần”, “bà trùm”…Mới hôm qua, nhiều người còn tất bật với công việc thường ngày, chẳng ai biết tới, thế mà chỉ với vài clip trên mạng, họ bỗng có hàng ngàn người "like", hàng ngàn gười theo dõi, nhận được hàng nghìn bình luận tung hô. Những điều đó khiến họ choáng ngợp và nghĩ mình là “cái gì đó cũng ghê gớm lắm”. Nhiều người trong số đó vênh mặt lên với đời, hoang tưởng về sức mạnh của bản thân.
Họ không nhận ra rằng, cộng đồng mạng có like nhiều như thế nào, tung hô tới tận mây xanh ra sao, thì đó cũng chỉ "để cho vui", "nói rồi quên" mà thôi. Họ chìm đắm trong vòng hào quang ảo, rồi ngộ nhận về độ “quyền lực” và năng lực của mình. Rồi từ đó, tự cho mình cái quyền được đến những sự kiện riêng tư của người khác rồi ngang nhiên ghi hình, phát livestream, thậm chí lao vào tận quan tài của người chết để quay hình, bất chấp nỗi đau, sự khó chịu từ phía người thân của người mới nằm xuống.
Các "chiến thần" mạng xã hội nghênh ngang bước vào các nhà hàng, quán ăn của người khác, rồi tự cho mình cái quyền của một "chuyên gia ẩm thực hàng đầu" để soi mói, bình luận, chê các món ăn, chỉ trích chủ quán.
Rồi họ tự cho mình là luật sư, là tầng lớp tinh hoa của xã hội, ngồi trên sofa, chỉ tay năm ngón, đưa ra những thông tin không kiểm chứng, bôi nhọ danh dự của người khác. Họ hăng say đe dọa, chửi bởi, dạy đời người khác. Thậm chí livestream cảnh mình hành hung người khác để chứng tỏ quyền lực.
Ngoài đời, họ có thể là kẻ thất bại, nhưng trên mạng với những lượng like khủng, lượng người theo dõi lớn, họ có được cảm giác là người hùng. Họ ngất ngây trong cái vinh quang ảo và quên mất rằng, vầng hào quang ở trên, có thể nhìn thấy nhưng chưa chắc đã chạm thấy, và chưa chắc đã là cái thật, nhưng vực thẳm dưới chân họ thì đang mở rộng ra.
Trường hợp điển hình nhất chính là bà Nguyễn Phương Hằng. Là một doanh nhân lọc lõi trên thương trường, ấy vậy mà bà cũng không cưỡng lại được sự quyến rũ của vầng hào quang ảo trên mạng, để rồi bị nó nuốt chửng.
Ban đầu, nữ doanh nhân này vốn chỉ muốn mượn xã hội để giải quyết chuyện riêng tư, bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình. Nhưng sau khi những livestream của bà thu hút được nhiều lượng like, người phụ nữ này như ngấm phải men say của sự nổi tiếng, của sự tung hô để rồi liên tục đưa ra những phát ngôn vi phạm luật pháp. Cuối cùng, bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt vì hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" - điều mà có lẽ khi mới sử dụng mạng xã hội, bà Hằng hoàn toàn không nghĩ tới.
Suốt những tháng ngày bị tạm giam, có lẽ bà Hằng đã nhận được câu trả lời cho những băn khoăn: Khi bà bị bắt, lượng người theo dõi bà ở đâu? Những người like, tung hô bà hàng ngày ở đâu? Họ vẫn "sát cánh" bên cạnh bà hay bỏ mặc bà trong trại giam, hào hứng chạy theo những "Idol" khác trên mạng?
Hào quang trên mạng rực rỡ lắm. Nó khiến cho một người bình thường trở thành “người hùng”, thành “chiến thần”, thành “bà trùm”....Hào quang đó ngọt ngào lắm. Nó khiến con nguồi ta si mê mà quên đi hiện tại. Nhưng mà hào quang ấy cũng đẩy con người ta vào con đường tù tội, phải trả giá đắt. Chỉ tiếc là, vẫn còn ít người nhận ra điều đó.