Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2011-2018 vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy 2 tuyến sông Hồng, sông Luộc là địa bàn sông nước rộng, trải dài, tiếp giáp nhiều tỉnh. Tuy vậy, UBND tỉnh Hưng Yên chậm sửa đổi, điều chỉnh quy định gây khó khăn cho công tác quản lý bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Khó kiểm soát khối lượng khai thác thực tế
UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy phép khai thác cát cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hà Thành UDIC, Công ty cổ phần đầu tư Việt Linh- Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phố Hiến không thông qua đấu giá với điều kiện các công ty này chỉ được khai thác cát, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên UBND tỉnh Hưng Yên không có biện pháp để quản lý chặt chẽ việc khai thác, tiêu thụ cát của 3 công ty này. Điều đó dẫn đến các công ty có thể bán cát cho đối tượng khác mà không bị kiểm tra, xử lý triệt để, vi phạm điều kiện để được cấp phép không qua đấu giá.
Kết luận thanh tra còn phát hiện cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm kê, đánh giá trữ lượng khoáng sản còn lại sau khai thác hàng năm tại các dự án khai thác cát, dẫn đến khó kiểm soát khối lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp.
Việc kiểm soát về khối lượng cát khai thác, tiêu thụ cát tại các dự án khai thác được cấp phép, tại các bến bãi tập kết cát chưa được giám sát chặt chẽ, thường xuyên, tiềm ẩn việc thất thoát nguồn thu thuế, phí liên quan hoạt động khai thác các trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý đối tượng khai thác cát trái phép còn chưa thường xuyên và chưa kịp thời, nhất là việc đấu tranh, xử lý vi phạm trên tuyến đường thủy vẫn còn nhiều hạn chế.
"Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư các dự án khai thác cát, chủ các bến tập kết cát sỏi; Sở Tài nguyên và Môi trường và sở ngành chức năng liên quan; UBND thành phố Hưng Yên và các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ - nơi có dự án khai thác cát và bến bãi tập kết cát"- kết luận thanh tra nêu.
12 dự án được cấp phép trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng số tiền thuế, phí, tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường phải nộp trên 52 tỷ đồng và các đơn vị đã nộp gần 50 tỷ.
Trong đó, Công ty cổ phần đầu tư Việt Linh-Hà Nội nợ 487 triệu đồng, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sơn Nam nợ 891 triệu đồng phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng.
Nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường gần 1 tỷ đồng, gồm: Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Quảng Bình 16,4 triệu đồng; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hà Thành UDIC 240 triệu đồng; Công ty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Sông Hồng 57 triệu đồng; Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường nợ trên 661 triệu đồng.
Hàng loạt sai phạm
Thanh tra Chính phủ phát hiện Dự án khai thác cát tại xã Đại Tập, huyện Khoái Châu của Công ty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Sông Hồng nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, không có đầy đủ các báo cáo kết quả quan trắc định kỳ. Dự án hết hạn giấy phép khai thác nhưng không thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Dự án khai thác cát tại xã Mai Động, huyện Kim Động của Công ty TNHH thương mại Phúc Lộc Thịnh còn tính thiếu số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với một số hạng mục; sử dụng 3 tàu khai thác cát khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Dự án đã hết hạn giấy phép khai thác nhưng không thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Trong khi đó, Dự án khai thác tại xã Mai Động (huyện Kim Động) của Công ty cổ phần Hưng Phú Invest tính thiếu số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với một số hạng mục. Công ty Hưng Phú Invest chưa xây dựng, lắp đặt hệ thống phun nước, dập bụi và trồng 300 cây xanh dọc đường vận chuyển hạn chế bụi, khí thải theo Đề án cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt.
Các phương tiện do công ty đăng ký đều không cùng tên với tên phương tiện phục vụ thi công đã được Cục Đường thủy nội địa phía Bắc chấp thuận; sử dụng nhiều phương tiện khai thác khác, có công suất lớn hơn công suất tính toán, thời gian làm việc dài hơn dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát được khối lượng khai thác thực tế của dự án.
Dự án khai thác cát tại xã Tứ Dân và xã Tân Châu (huyện Khoái Châu) của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phố Hiến đã gặp phải sự phản đối của người dân địa phương, chỉ khai thác được 16,5% khối lượng cát được phép khai thác. Dự án không thực hiện nghiêm túc quan trắc môi trường theo quy định (chỉ thực hiện 1 lần năm 2017, các năm 2015, 2016, 2018 không thực hiện). Năm 2018 dự án đã hết hạn giấy phép khai thác nhưng không thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Dự án khai thác cát tại xã Mai Động (huyện Kim Động) của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường không thực hiện quan trắc môi trường trong quá trình khai thác; còn nợ trên 661 triệu đồng ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Bến bãi tập kết cát của doanh nghiệp diện tích khoảng 5ha tại xã Phú Cường, huyện Kim Động không có hợp đồng thuê đất, không có bản cam kết bảo vệ môi trường, không có hồ sơ pháp lý để được hoạt động bến bãi theo quy định.
Dự án khai thác cát tại xã Mai Động của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sơn Nam thực hiện chậm tiến độ theo giấy phép đầu tư, còn nợ 891 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Sơn Nam sử dụng phương tiện khai thác thực tế khác với tên phương tiện đã đăng ký với Cục Đường thủy nội địa, quá trình khai thác chưa thực hiện nghiêm túc đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được duyệt.
Thế Kha