Về xóm lồng đèn nhớ. . . những "người muôn năm cũ"

Trần Chánh Nghĩa| 07/09/2022 08:15

Hàng năm, cứ sau rằm tháng 7, xóm đạo ấy trở nên nhộn nhịp. Kẻ bán người mua tấp nập tạo nên một hoạt cảnh huyên náo đến lạ thường. Chúng tôi muốn nói đến khu vực giáo xứ Phú Bình (P.5 Q. 11 TP.HCM), một nơi chuyên sản xuất lồng đèn thủ công vào mỗi dịp Trung thu. Nhưng rồi thì . . . mỗi năm mỗi vắng.

Hiu hắt làng nghề

Gần đến Tết Trung thu. Đường vào giáo xứ Phú Bình không có vẻ gì là một xóm lồng đèn như chính cái danh xưng tự thuở nào. Tôi hỏi một ông cụ đang ngồi trước hiên nhà, ông cho biết cái danh xưng ấy quả là có thật nhưng từ hơn 10 năm trước. Từ ngày các loại đồ chơi du nhập từ nước ngoài về tràn ngập thị trường thì cái xóm lồng đèn này cứ mỗi năm mỗi vắng.

Xem thêm: Chút tản mạn đêm Trung thu

ongden-1.jpg
Cửa hàng Nam Ký vắng khách

Bằng một giọng nói miền Bắc đặc sệt, cụ kể lại lai lịch gốc tích của làng nghề này. Sau năm 1954, người bắc gốc Nam Định về đây cư ngụ hình thành một quần cư. Khởi đầu chỉ một vài nhà học được nghề làm lồng đèn rồi chẳng mấy chốc cả xóm đều làm. Nguyên liệu rẻ, nhân công rẻ sức bán không bị cạnh tranh, chiếc lồng đèn bằng giấy kính đủ mẫu mã đã một thời xuất hiện khắp đường phố lung linh vào dịp rằm tháng 8.        

Thuở ấy, cứ sau Tết Nguyên đán, cả xóm bắt đầu nhộn nhịp. Lồ ô (một loại giống tre nhưng dẻo hơn và mỏng võ rỗng ruột) từ các nơi đổ về. Rồi tiếng cưa cắt, tiếng chẻ nhỏ vót nan cứ như một điệu nhạc. Ai làm việc nấy theo từng công đoạn. Chiếc khung hình thành chuyển đến tốp người dán giấy kính. Cứ thế đến khi hoàn tất chiếc lồng đèn với nhiều màu sắc cọng thêm những nét vẻ điểm tô tạo cho chiếc lồng đèn như có hồn hẳn lên.

ongden-2.jpg
Chiếc tàu thủy này có giá 120.000đ

 "Công việc kéo dài đến Rằm tháng 7 thì nhà nào nhà nấy đầy ắp lồng đèn. Anh cứ thử nghĩ xem, bao nhiêu căn nhà là bấy nhiêu kho chứa lồng đèn. Màu đỏ của giấy kính làm cả xóm đỏ rực. Rồi xe lấy hàng tấp nập đến. Những chiếc lồng đèn từ Phú Bình ra đi đến tận hang cùng ngõ hẹp, đến tận tay các cháu nhi đồng để rồi đúng ngày trung thu những ngọn nến được tỏa sáng bên trong chiếc lồng đèn rực rỡ ấy".   

Nhấp một ngụm trà, đôi mắt cụ lãng đãng xa xăm. Cụ tiếp tục chia sẻ, sự rộn rịp ấy kéo dài đến khoảng năm 1990 thì bắt đầu sa sút. Kinh tế phát triển, nhiều hàng hóa từ bên ngoài đổ vào trong đó có những mặt hàng phục vụ trung thu khiến cho chiếc lồng đèn thủ công giấy kính trở nên lép vế.

Bây giờ đến Phú Bình cũng còn lác đác vài nhà làm lồng đèn. Những người này dường như không bỏ được cái nghề đã nuôi sống gia đình họ từ bao năm nay. Đi khắp xóm đếm được cũng chỉ hơn chục nhà. 

Mong đèn giấy kính mãi xuất hiện trong đêm Trung thu

Chủ tiệm lồng đèn Nam Ký tiếp chúng tôi khi trên tay chị vẫn còn cầm chiếc lồng đèn tàu thủy to đùng. "120.000 đồng đó anh ạ", chị buồn rầu nói.

Nhìn gian hàng chị số lượng cũng không nhiều lắm. Chị cho biết, ở xóm lồng đèn Phú Bình này hầu hết vừa sản xuất vừa làm đại lý. Nhìn vào gian hàng của chị, ngoài lồng đèn giấy kính còn có nhiều loại lồng đèn xếp. Bây giờ lồng đèn truyền thống ít được các đoàn thể, các đơn vị ưa chuộng vì cồng kềnh lắm. Người ta mua đèn xếp nhiều hơn vì dễ vận chuyển.

ongden-3.jpg
Phố lồng đèn đường Lương Nhữ Hộc (q.5) năm nay cũng đìu hiu.

Chị là người trực tiếp bán hàng. Bên trong phía sau nhà, một xưởng chế tạo, lắp ráp các loại lồng đèn làm việc trong lặng lẽ. Vẻ quạnh hiu của một buổi chợ chiều phủ khắp xóm lồng đèn này từ lâu lắm và giờ đây chỉ còn một vài hộ còn cố níu kéo cái thưở vàng son xa xưa. 

Từ đường Lạc Long Quân ngay cổng chào giáo xứ Phú Bình đi vào, có khoảng 3 hộ còn sản xuất và bán lồng đèn. Chẳng còn bao lâu nữa là đến Trung thu nhưng sức bán thì rất ì ạch. 

 Bước vào nhà 423/6 Lạc Long Quân, cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích đang ngồi chẻ từng chiếc nan. Bàn tay người thợ mềm mại tách từng thẻ lồ ô thành những nan lồng đèn thuần thục và nhanh nhẹn. Bích cho biết, lồ ô bây giờ lên giá quá. Năm trước khoảng 10.000đ/cây nhưng năm nay đã 50.000đ. Kiếm được đồng lời trong thời buổi này quả là rất khó.    

Bích kể cho tôi nghe, gia đình là gốc dân Nam Định, làm nghề lồng đèn này sau khi vào nam. Từ đời bố, truyền cho các con và giờ đây, ngoài cửa hàng và xưởng của gia đình còn có thêm 2 xưởng nữa của 2 anh Bích đứng làm chủ. 

Năm nay 27 tuổi, cô gái trẻ này vốn là nhân viên kế toán của một công ty trong thành phố. Bích cho biết cô đã nghỉ việc để về phụ với gia đình giữ cái nghề truyền thống này. Bên trong, cụ Nguyễn Thị Hoa tuổi đã gần 80, mẹ của Bích đang cặm cụi làm khung lồng đèn. 

Nhà Bích vẫn giữ nguyên nếp cũ, làm lồng đèn quanh năm. Bích nói, sau Rằm tháng tám nghỉ một hai tháng rồi tiếp tục làm đợt lồng  đèn mới. Cứ thế cho đến tháng 8 năm sau. Hàng chục năm nay gia đình Bích vẫn thế.

ongden-4.jpg
Cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích đang ngồi chẻ từng chiếc nan

Vừa tiếp chuyện, đôi tay Bích vẫn làm. Một người khách bước vào. Bích đứng dậy lấy hàng bán cho khách. "Khách lẻ thôi sao? Dạ không, khách sỉ mới chủ yếu chứ. Đã có nhiều đơn đặt hàng nhưng còn xa ngày trung thu nên họ chưa đến lấy". Bích than, dạo này thợ dán giấy kính khó tìm quá. Những người lành nghề, dán đẹp không còn làm nữa. Lại còn công đoạn tô điểm cho chiếc lồng đèn. Con cá thì thêm vảy, con cua thêm càng. Những người làm công đoạn này cũng chẳng còn nhiều nhưng cũng cố cầm cự.  

Cụ Hoa bên trong nhà vẫn cứ miệt mài hoàn thành những chiếc khung lồng đèn. Ngoài này Bích vừa bán vừa ra nguyên liệu. Không hối hả, không vội vả. Tất cả trôi đi như nhịp thời gian lần cuốn hút những người thợ thủ công làm đẹp cho đời. 

ongden-5.jpg
Cụ bà Nguyễn Thị Hoa làm khung lồng đèn

Nhìn những chiếc lồng đèn treo lủng lẳng, tôi chợt nghĩ đến thời thơ ấu của mình. Có lẽ cả một quảng đời niên thiếu, chiếc lồng đèn này là niềm mơ ước của mình nhưng không sao có được. Nhìn đám bạn tung tăng xách con cá, con cua, con bướm, trong khi mình và một số bạn cùng cảnh ngộ với chiếc lồng đèn tự làm bằng lon sữa bò, thế mà vẫn vui trong đêm Trung thu. Tuổi thơ đâu biết phân biệt nghèo hèn sang trọng là gì. 

Những "người muôn năm cũ" đã làm những chiếc lồng đèn giấy kiếng có thể rồi sẽ không còn hoặc hết khả năng lao động. Thế hệ sau sẽ nối tiếp như một sự kế thừa để mãi mãi những chiếc lồng đèn xinh xắn kia có mặt trong đêm trung thu trên tay các em nhỏ. Nó là hồn của dân tộc, là tinh hoa là nét đẹp văn hóa của muôn đời. 

Trần Chánh Nghĩa

Đă đăng ngày 10/09/2011
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ve-xom-long-den-nho-nhung-nguoi-muon-nam-cu-38620.html

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Về xóm lồng đèn nhớ. . . những "người muôn năm cũ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO