Việt Nam đã và đang chủ động tham gia vào quá trình hợp tác, phát triển du lịch trong khu vực ASEAN. (Nguồn: itcvietnam) |
Du lịch bền vững được coi là yếu tố then chốt giúp các điểm đến duy trì xây dựng danh tiếng và thương hiệu cạnh tranh, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng địa phương, du khách và các bên liên quan khác.
Theo tầm nhìn của "Kế hoạch Chiến lược du lịch ASEAN 2016-2025”, đến năm 2025, ASEAN sẽ là điểm đến du lịch chất lượng, cung cấp trải nghiệm về một ASEAN đa dạng và độc đáo.
Cùng ASEAN phát triển du lịch bền vững
Là một thành viên của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã và đang chủ động tham gia vào quá trình hợp tác, phát triển du lịch trong khu vực. Với những nỗ lực và cam kết chung, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đã tạo ra một sự hợp tác sâu rộng, nhằm khai thác tiềm năng của ngành du lịch và xây dựng một vùng du lịch ASEAN hấp dẫn và bền vững.
Tháng 8/2023, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chính sách thị thực mới, kéo dài thời hạn lưu trú cho các thị trường được Việt Nam miễn thị thực và chính thức áp dụng thị thực điện tử cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, kỳ vọng tạo điều kiện du lịch thông suốt hơn cho khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đồng ý với các biện pháp nhằm tăng cường quảng bá du lịch ASEAN trên thị trường quốc tế, như tổ chức triển lãm du lịch ASEAN và các sự kiện quan trọng khác.
Đất nước hình chữ S đã tham gia vào việc phát triển các tuyến du lịch kết nối giữa các quốc gia ASEAN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và khám phá vùng khu vực.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch bền vững.
Đơn cử như, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, phong phú và đa dạng khắp trên mọi miền đất nước, có sức hấp dẫn đối với du khách. Đất nước có hơn 40.000 di tích và thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Việt Nam là một trong những số ít quốc gia trên thế giới được UNESCO công nhận nhiều di sản, gồm: Di tích Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Huế, thành nhà Hồ, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long. Đây là một trong những tiềm năng du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế.
Hơn nữa, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có khoảng 117 bảo tàng - nơi lưu giữ quá trình lịch sử của dân tộc với những dấu ấn hào hùng có sức lôi cuốn du khách tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.
Đất nước hình chữ S có 54 dân tộc anh em, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lối sống riêng khác nhau tạo thành nét cuốn hút riêng. Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ, hát xoan, hội Gióng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đó là những lý do hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế.
Du lịch nông nghiệp giúp Việt Nam mở ra bản đồ du lịch mới từ những điểm sẵn có. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Tạo kỳ tích từ du lịch nông nghiệp
Tại hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử phát triển nền sinh thái nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới. Vì vậy, du lịch nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng, nếu biết khai thác và kết nối thì chắc chắn sẽ tạo ra kỳ tích.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận: "Một dòng sông, một ngọn núi, một bản sắc, một thổ cẩm, một điệu khèn… tất cả đều là di sản. Nếu coi di sản là sản phẩm du lịch mới, không chỉ là Sơn Đoòng hay Cố đô thì sẽ kéo dài bản đồ du lịch của Việt Nam, sẽ có khác biệt, mang lại giá trị rất lớn".
Với những tiềm năng và dư địa của ngành du lịch nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Thủ tướng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần "vẽ" thêm bản đồ du lịch Việt Nam, mở rộng không gian du lịch mới.
“Du lịch nông nghiệp giúp Việt Nam mở ra bản đồ du lịch mới từ những điểm sẵn có. Vì vậy, chúng ta nên có một tư duy mới về du lịch nông nghiệp. Dù nó mang lại nguồn thu không lớn nhưng đó là sức sống của cộng đồng, là bản sắc văn hóa của các dân tộc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chiến lược và Chính sách phát triển, trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa du khách về khu vực nông thôn. Song song với đó là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở thu gom và xử lý rác.
TS. Nguyễn Văn Thắng nói: "Ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chí điểm đến du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó định hướng cho các địa phương đầu tư xây dựng".
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty du lịch Travelogi Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho rằng, trước mắt ngành du lịch cần xác định đối tượng khách du lịch mục tiêu từ đó đưa ra các hoạt động tiếp thị sản phẩm phù hợp.
Ông nhấn mạnh: “Thị trường chính của du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay vẫn là khách du lịch nội địa bởinhu cầu về thực phẩm sạch và môi trường xanh, trải nghiệm lối sống truyền thống của người dân sống ở các thành phố là rất lớn. Đây sẽ là nguồn thu đáng kể đối với loại hình du lịch này".