Về thăm ngôi làng của người giàu đầu thế kỷ XX

Mộc Trà| 04/02/2023 11:32

Nằm khép mình bên dòng sông Nhuệ hiền hòa, làng Cựu với tuổi đời 800 năm đang sở hữu báu vật độc nhất vô nhị của đất Hà thành. Đó là những căn biệt thự có kiến trúc pha lẫn Việt - Pháp - Hoa cổ kính.

Làng thợ may “đệ nhất Hà Thành”

Nếu hỏi người dân xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) về làng Cựu, bạn thường sẽ nhận được câu trả lời rất giống nhau, đó là “làng của người giàu” hay “làng Tây”. Ngắm nhìn làng Cựu bây giờ, ít ai biết được đằng sau vẻ trầm lặng và đầy hoài niệm ấy là những câu chuyện về một thời hưng thịnh của làng.

bf4f8bb0-f385-4ec5-97ed-2978edfa9b7c.jpg
Đường vào làng Cựu.

Tìm và gặp ông Nguyễn Thiện Tứ (78 tuổi) – người am hiểu về lịch sử của làng Cựu, chúng tôi được nghe kể chi tiết về quá trình “lột xác” của ngôi làng gần 800 tuổi này. Làng Cựu vốn là một làng thuần nông trước được gọi là làng Vân Hoàng Cựu.

Chỉ cách thành phố Hà Nội hơn 40 km, làng Cựu nổi tiếng từ khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp. Cái tài may vá, khéo léo thêu thùa của người dân làng Cựu được người Pháp và giới tư sản cả nước tín nhiệm và dần dà, họ nhanh chóng nổi tiếng, mệnh danh làng thợ may “đệ nhất Hà thành”.

Ông Tứ cho biết: “Những năm 1920-1922, làng Cựu đã xuất hiện những ngôi nhà gạch đan xen với các ngôi nhà lá, nhưng một cuộc hỏa hoạn xảy ra khiến nửa làng gần như bị thiêu trụi. Sau cuộc hỏa hoạn một số gia đình đã ra thành thị giao lưu và học nghề. Một cụ thuộc tầng lớp khá giả có cơ hội sang Pháp học và tiếp thu được nghề may âu phục, khi về nước cụ đã mở xưởng may đưa con cháu ra học và làm việc.

Thấy có khả năng phát triển hơn nữa, các cụ đã bắt đầu về làng kéo mọi người đi làm cùng. Từ đó hình thành nên các hiệu may sầm uất nhất Hà Nội lúc bây giờ như ở hàng Bông, hàng Trống… Cái tài may vá, thêu thùa của người dân làng Cựu nhanh chóng được lòng người Pháp và giới thượng lưu Hà Nội tín nhiệm và trở nên nổi tiếng, được mệnh danh là làng thợ may đệ nhất Hà Thành”.

050661de-6334-4ca9-a5dd-6d2db2f837f7.jpg
Đi vào các con ngõ nhỏ dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà cổ kiến trúc Việt -Pháp.

Cũng chính nhờ sự cần cù, chịu khó, số tiền kiếm được từ nghề may đã giúp dân làng sớm trở thành tầng lớp thượng lưu ở TP. Hà Nội. Giai đoạn 1930-1945, từ nông dân trở thành triệu phú, dù ít sinh sống tại quê nhà nhưng những người thành đạt nơi phố phường đều về quê xây dựng biệt thự nguy nga, đẹp nổi tiếng vùng đồng bằng Bắc bộ thời bấy giờ. Cứ thế, năm này qua năm khác, nghề cắt may quần áo không chỉ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo mà còn mang đến cho làng Cựu cái tên “làng người giàu”.

“Bên cạnh đó, ngoài ra có những nhà giàu lên từ làm nghề gỗ hay dòng họ Chu đã mở liên doanh với các thương gia của Pháp để làm gạch ngói đưa ra Hà Nội bán” – ông Tứ chia sẻ thêm.

Vẫn giữ được nét cổ kính

Bước vào cổng làng, một thế giới cổ kính, hoài niệm sẽ mở ra, đưa du khách lạc vào vùng đất mới vắng lặng, yên bình khác hẳn phố thị nhộn nhịp, ồn ào và tấp nập dòng người qua lại. Vùng quê này dường như thời gian ngưng đọng trong từng ngõ nhỏ trầm mặc với cây đa, bến nước, sân đình... Mặc dù làng Cựu gần sát Hà Nội, gần quốc lộ nhưng thật may lối sống hiện đại không làm làng Cựu đổi thay.

Chịu sự thách thức của thời gian, một số cảnh vật ở làng Cựu đã bị xuống cấp nhưng vẫn gìn giữ được vẻ đẹp làng. Cổng làng Cựu được người dân tu sửa lại từ năm 2018 nhưng chỉ tu sửa những chỗ sứt mẻ, còn lại vẫn giữ được nguyên bản về kiến trúc từ đầu thế kỷ XVI.

d4efe0c9-7084-4e4a-8f42-dbeae1c849cb.jpg
Cổng làng Cựu.

Ông Tứ chia sẻ: “Cổng làng có lối kiến trúc độc đáo được chia làm 3 tầng. Tầng 1 xây theo kiến trúc chùa tam quan nhưng ở chùa có 3 lối đi còn ở đây chỉ có một lối. Tầng 2 có gác chuông bốn phía đều có cửa. Tầng 3 mang tính chất Phật giáo trên có đầu rồng chầu phật. Ngoài ra, điểm đặc biệt của cổng làng Cựu là vừa có câu đối chữ Hán vừa có bốn con vật linh quy gác cổng làng, trên có bốn chữ ‘Hán Lý nhân Hoàn Mỹ’ – thể hiện con người ở đây vô cùng đẹp và hoàn hảo”.

Từ đầu đến cuối làng Cựu cổ kính, trong từng con ngõ nhỏ sâu hun hút là bí mật của kiến trúc, của giá trị văn hóa khiến khách tới thăm trầm trồ, thán phục. Những cánh cổng nhà xưa đều không quá cao, không quá thấp với những hoa văn, họa tiết rất đẹp, cuốn hút…

Ở làng Cựu, gần như không có những ngôi nhà hiện đại. Cũng không có những ngôi nhà cấp bốn kiểu mẫu thời bao cấp. Ở đây chủ yếu là những ngôi nhà rêu phong cổ kính gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách nước ngoài. Sự kết hợp, giao lưu văn hóa của phong cách kiến trúc Việt - Pháp đã tạo nên một tổng thể sinh động, hài hòa khiến không gian nơi đây mang đậm dấu ấn riêng.

b7b46b8e-b399-4394-9729-a919fe560e47.jpg
30377cca-fafe-4883-83e1-69096c18816e.jpg
Ngôi nhà cụ Phó Du xây năm 1929.

Một trong những ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp nhất của làng đó là ngôi nhà của cụ cố Phó Du được xây dựng từ năm 1929. Trên cổng vào, hình tượng con tôm đắp nổi tinh tế, với đôi càng khỏe như đang nâng niu bức đại tự bốn chữ “Nhập hiếu xuất đễ” với hàm ý vào nhà có hiếu với cha mẹ ra ngoài nhường nhịn anh em.

Ngoài ra, điểm đặc biệt chung của nhưng ngôi nhà cổ ở Làng Cựu là không gian kiến trúc nhà ở mang những nét pha trộn kiến trúc Á – Âu, cửa lá sách, rồi các cột trụ, đầu hồi… đều được đắp nổi đề tài hoa lá, tỉa cạnh rất đặc trưng của Tây Âu, nhưng trên chóp mái lại là bức phù điêu Tam tinh – chính là bộ Tam đa (phúc – lộc – thọ) và dòng chữ Hán quen thuộc trong văn hóa Á Đông thường thấy tại các nước Việt Nam, Trung Quốc…

e3cbf65a-cbe4-4bc1-98a6-3dfeabe20af5.jpg
Nhà ông Nguyễn Thiện Tứ xây từ đầu thế kỉ XX.

Theo ông Tứ chia sẻ: “Mặc dù xã hội ngày càng phát triển nhưng làng Cựu còn rất nhiều ngôi nhà cổ, vì thế hệ con cháu của những ngôi nhà đó làm ăn xa nhưng vẫn thuê người trông nom để lưu giữ và làm điểm dừng chân khi trở về. Trong những năm gần đây, nhiều người có điều kiện thường về tu sửa lại nhưng vẫn cố gắng giữ được nét kiến trúc của cha ông ngày xưa. Thậm chí, có nhà vì muốn giữ lại mái ngói cổ mà đã bắn tôn để bảo tồn”.

Đó là điều đáng quý và khích lệ bởi chỉ khi nhận ra vẻ đẹp của làng quê mình, nhận ra sự quan trọng của những di sản cha ông trao truyền, thì họ mới ý thức để gìn giữ, bảo vệ.

Dù xã hội ngày càng hiện đại có nhiều đổi thay nhưng làng Cựu vẫn là một ngôi làng bình yên, một mảnh đất được người dân trân trọng. Những nét đẹp kiến trúc, văn hóa và con người giúp làng Cựu trở thành một điểm du lịch chinh phục được không ít du khách thập phương từ xa tới đây để thưởng ngoạn.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Về thăm ngôi làng của người giàu đầu thế kỷ XX
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO