Những ngày vừa qua, hàng tỷ con ve sầu bất ngờ trồi lên sau 17 năm "ẩn mình" dưới lòng đất, xuất hiện dày đặc tại nhiều bang khắp nước Mỹ như Washington D.C, Virginia,...
Trước tình trạng trên, Bun Lai - một đầu bếp gốc Hong Kong (Trung Quốc) hiện đang sống tại Mỹ đã nảy ra ý tưởng "hô biến" cuộc xâm lược của ve sầu thành cơ hội trổ tài chế biến món ăn mới từ loài côn trùng hiếm gặp này.
Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), Bun Lai đã quyết định chế biến ve sầu thành món sushi "trứ danh". Vị đầu bếp này đã tổ chức các buổi tiệc miễn phí tại công viên Fort Totten ở thủ đô Washington D.C để mời mọi người tới thưởng thức món ăn mới.
Ban đầu, Bun Lai cùng người dân địa phương đi bắt ve sầu trong các công viên thành phố. Sau đó, anh sơ chế lượng côn trùng đã bắt được. Những con ve sầu sau khi được thu hoạch đem rửa sạch và ướp muối trước khi đưa vào chảo chiên và trở thành nguyên liệu làm sushi.
Bun Lai đặt ve sầu chiên giòn vào giữa phần cơm, cho thêm rau rồi cuộn chặt tay thành món sushi đơn giản nhưng bổ dưỡng. Vị đầu bếp này cho biết, món cơm từ ve sầu không chứa gluten, giàu protein, ít chất béo và dinh dưỡng đa lượng (carbs).
Không chỉ mời người dân địa phương thưởng thức món ăn mới do mình sáng tạo, Bun Lai còn hướng dẫn họ cách bắt, sơ chế và chế biến món ăn từ ve sầu.
Vốn ủng hộ phong trào thực phẩm bền vững, vị đầu bếp hy vọng sự kiện này có thể giúp mọi người hiểu thêm về vấn đề thực phẩm thay thế trong tương lai, thân thiện với môi trường mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
"Trong một thế giới mà nhân loại đang phải chịu đựng vô số các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống thì chúng ta cần phải thực hiện một phương thức tiếp cận mang tính cách mạng với thói quen ăn uống này", Bun Lai nói.
Stella Roque, một cư dân địa phương 36 tuổi bị ám ảnh bởi tất cả các loài côn trùng cho hay, ban đầu cô không quá háo hức nhưng coi đây là cơ hội để vượt qua nỗi sợ kéo dài này.
"Hôm nay tôi đến đây vì lời mời của Bun Lai về món ve sầu qua lửa mà anh ấy chế biến. Tôi nghĩ đây sẽ là một trải nghiệm thú vị nên quyết định tham gia. Tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm lý chờ đợi điều tồi tệ nhất xảy ra nhưng rồi thực sự ngạc nhiên bởi không có gì đáng sợ ở đây cả. Thậm chí tôi còn được thưởng thức một món ăn rất ngon", Stella Roque chia sẻ.
Được biết, hàng tỷ con ve sầu trồi lên mặt đất lần này thuộc loài Brood X. Sinh vật tồn tại dưới lòng đất hơn 17 năm, không giống như những loài ve sầu khác có vòng đời 13 năm. Ve sầu Brood X hút nhựa rễ cây làm thức ăn nhưng không gây hại cho người, ngoại trừ việc gây ra tiếng ồn. Sau khi "ngủ vùi" 17 năm, chúng sẽ chui lên khỏi mặt đất với số lượng hàng tỷ con, thậm chí còn nhiều hơn nữa.
Theo nhà côn trùng học Michael Raupp, do quá trình biến đổi khí hậu nên ve sầu chui lên mặt đất sớm hơn trong những năm gần đây. Vào giai đoạn trước những năm 1950, chúng thường xuất hiện vào cuối tháng 5.