Vợ chồng tôi đều xuất thân từ quê lên thành phố học hành rồi lập nghiệp. Bố mẹ tôi là nông dân, bố vợ là giáo viên cấp hai về hưu, mẹ vợ làm ruộng. Nhìn chung, hai bên ông bà đều vất vả, không khá giả.
So với ở quê, mức thu nhập của vợ chồng tôi khá ổn. Tuy nhiên, do những năm đầu hôn nhân vừa nuôi con nhỏ, vừa dành dụm mua nhà nên kinh tế lúc nào cũng trong tình trạng khó khăn, không dư dả để biếu hai bên ông bà nội ngoại.
Đầu năm nay, tiền vay mua nhà đã trả hết, không còn nợ nần, tôi bàn với vợ:
"Tiền tiêu bao nhiêu cũng không đủ, mỗi tháng hai vợ chồng mình dành ra một khoản biếu hai bên ông bà nội ngoại. Số tiền có thể không nhiều nhưng với bố mẹ già, đó sẽ là nguồn động viên tinh thần rất lớn".
Vừa nghe tới đó, vợ tôi lập tức phản đối. Cô ấy phân tích tình hình kinh tế, nói ông bà nội ngoại ở quê, lúa rau tự trồng, gà vịt tự nuôi, thực phẩm có thể tự cung tự cấp, tiêu pha chẳng hết bao nhiêu.
Dù vợ có giải thích thế nào về việc lén gửi tiền cho bà ngoại, tôi vẫn thấy cô ấy quá ích kỷ (Ảnh minh họa: Getty).
Nhà mình ở thành phố, dăm ba cái lá lốt nấu canh cũng phải mua, ra khỏi nhà là phải có tiền, chưa nói đến việc còn nuôi con cái học hành, tích lũy tương lai. Tính cho cùng, ông bà giờ không còn phải lo lắng gì, còn mình thì trăm nghìn thứ phải lo.
Vợ đề nghị, chỉ biếu tiền ông bà hai bên mỗi dịp Tết hoặc khi ốm đau, còn biếu một khoản cố định hàng tháng là không cần thiết.
Tôi thấy vợ nói cũng đúng, vả lại tiền bạc nhà mình đúng là không quá dư dả, hàng ngày vợ phải tính toán chi tiêu cho phù hợp. Đề nghị của vợ tôi không phải là không hợp lý.
Sẽ chẳng có chuyện gì đáng nói nếu không có một chuyện tôi tình cờ biết được. Tuần trước, dì ruột của vợ gả con gái, mời vợ chồng tôi về quê ăn cưới. Ngày cưới vào đúng cuối tuần nên cả nhà tôi có thể về, tiện thể ghé nhà ông bà ngoại chơi một hôm.
Hôm đó, vợ chở bà ngoại đi chợ. Tôi ở nhà một mình, có bác hàng xóm sang chơi. Bác kể, vợ chồng bác có hai đứa con gái đều lấy chồng xa. Đứa nào cũng khó khăn nên lúc bố mẹ ốm đau không trông mong được gì.
Bác ấy xuýt xoa khen bố mẹ vợ tôi sướng. Bố vợ có lương hưu, mẹ vợ không có lương nhưng cũng như có lương. Ở quê, với tình hình như bố mẹ vợ tôi là quá ổn.
Tôi lấn cấn đoạn bác kể "mẹ vợ không có lương mà cũng như có lương". Hỏi ra mới biết, hóa ra bác cả, vợ tôi và cậu em trai út đã bàn nhau vào một ngày định kỳ hàng tháng sẽ gửi mỗi nhà một triệu đồng cho mẹ, coi như là mẹ cũng có lương.
Bác ấy kể xong, bối rối nhìn tôi: "Ơ thế cháu không biết việc này à? Coi như bác chưa nói gì nhé". Khi biết việc này mấy anh chị em nhà vợ đã thực hiện mấy năm nay rồi, tôi thật sự "nóng mặt".
Khi trở về nhà, tôi đem chuyện hỏi vợ. Lúc đầu cô ấy chối, nói các bà ở quê nhiều chuyện. Nhưng khi tôi hỏi căng, vợ mới thú nhận có chuyện đó.
Cô ấy nói, ông ngoại có lương nhưng tính ông gia trưởng và khá keo kiệt, chỉ thích giữ tiền. Thương mẹ phụ thuộc kinh tế, không có tiếng nói, mấy chị em mới bàn nhau mỗi người cho mẹ một triệu mỗi tháng để mẹ có thể "dễ thở" hơn một chút.
Vợ tôi nói: "Thực ra, chỉ là em bớt tiền mua quần áo của mình để cho mẹ, chẳng đáng bao nhiêu, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kinh tế gia đình, anh yên tâm".
Tôi thật sự quá buồn, thất vọng. Nhớ lại chuyện đầu năm nay, tôi đề nghị vợ hàng tháng biếu tiền quà bánh hai bên ông bà, cô ấy còn gạt đi, phân tích nọ kia để từ chối.
Trước mặt tôi nói vậy, sau lưng lại giấu giếm gửi tiền cho bà ngoại mỗi tháng. Trong khi xét cho cùng, điều kiện ông bà ngoại còn khá hơn ông bà nội. Ít nhất, ông ngoại còn có mấy triệu tiền lương mỗi tháng, còn ông bà nội không hề có lương.
Mấy hôm nay tôi chán, chẳng muốn nói chuyện với vợ. Tôi nhận ra vợ mình quá ích kỷ với nhà chồng. Cô ấy không biết sai, còn hỏi tôi: "Đừng nói là anh chưa bao giờ giấu em cho tiền ông bà nội nhé?".
Tại sao vợ tôi lại có suy nghĩ như vậy? Chuyện muốn biếu bố mẹ chút tiền, vợ chồng không thể thẳng thắn nói với nhau mà nhất định phải giấu giếm hay sao?
Theo Dân Trí