Về Phú Yên thăm ché rượu người Chăm

Minh Ngọc - Thiên Nam| 14/11/2021 08:20

Người Chăm ở Phú Yên có một nền ẩm thực phong phú và đặc sắc. Trong đó rượu cần của người Chăm là một trong những thức uống được người dân ưa chuộng.

Về Phú Yên thăm ché rượu người Chăm
Đồng bào Chăm ở buôn Hồ Hầm, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) tái hiện lại lễ cúng cầu mưa tại Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh. (ảnh Thiên Lý)

Tại Phú Yên, người Chăm sinh sống lâu đời ở hai huyện miền núi Sơn Hòa và Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Mỗi buôn làng người Chăm có ít nhất là 30 hộ gia đình, nhiều nhất gần 100 hộ. Người Chăm cư trú trên một địa vực rộng, phong phú và đa dạng về mặt địa hình nên việc bố trí sắp xếp nhà ở trong làng giữa các vùng cũng khác nhau, có làng bố trí theo hình chữ nhật, hình tứ giác hoặc hình đa giác. Song làng có đặc điểm chung là cân đối và hài hòa, thể hiện trong việc bố trí nhà ở, đường sá, giếng nước.

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, hiện nay, người dân tộc Chăm ở Phú Yên có gần 23.000 nhân khẩu. Người Chăm chủ yếu sống ở các xã, huyện miền núi nên đời sống còn thiếu thốn. Việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của người Chăm cũng vì vậy gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do cộng đồng dân tộc này phân tán khắp nơi mà kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, phát triển và giao lưu văn hóa chưa nhiều. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế, xã hội và quá trình hội nhập quốc tế đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, lối sống và sinh hoạt văn hóa của đồng bào. Người trẻ không muốn học lại nghề của ông bà tổ xưa, trong khi phần nhiều những người có nghề đã già yếu và mất, không có người truyền dạy.

Lâu nay, với người dân huyện Phú Hoà (Phú Yên), thì rượu cần của người Chăm tại buôn Hố Hầm, xã Hoà Hội (huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên) đã nổi danh là đặc sản, từng được người dân xung quanh thích thú.

Về Phú Yên thăm ché rượu người Chăm

Rượu cần của người Chăm vốn là loại thức uống đặc trưng này đang dần mai một vì ngày càng ít người kế thừa. (ảnh Thiên Lý)

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, chủ tịch UBND xã Hòa Hội cho biết, buôn Hố Hầm là buôn làng duy nhất của người Chăm tại xã Hoà Hội (huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên). Cộng đồng dân tộc Chăm tại đây chỉ có khoảng 140 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu, thế nhưng họ có một nền di sản văn hóa đa dạng và phong phú như: Kiến trúc nhà sàn, trang phục truyền thống, cồng chiêng và ẩm thực…

Theo chính quyền địa phương xã Hòa Hội, công tác bảo tồn với loại rượu cần của người Chăm ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn. Bà H’Phiền, một người phụ nữ có nhiều năm kinh nghệm trong việc ủ rượu cần tại buôn Hố Hầm này buồn bã vì bây giờ rất ít người biết ủ rượu cần. Dù trong buôn vẫn còn có những ché rượu cần, nhưng nay ít người kế thừa nên đa phần người trẻ không biết cách làm. Theo bà Rượu cần chỉ phù hợp với những cuộc tụ họp nhiều người như lễ, Tết. Vì ché to đến 10 lít, ché nhỏ cũng được 5 lít nên phải từ 5 đến 10 người thì mới uống hết. Còn ông Y Hảy, hiện nay đã 73 tuổi là một trong những người già nhất buôn Hố Hầm cũng than thở: “Cách làm rượu cần được truyền từ thời ông bà, rồi ông bà truyền cho cha mẹ nhưng đến đời con cháu thì rất ít người biết làm. Lúc trước thì nhiều nhà lắm nhưng nay không còn ai muốn giữ nữa”. Theo ông Hảy, ngày nay đa phần thế hệ trẻ người Chăm bị cuốn vào nhịp sống của xã hội hiện đại, đang dần rời xa nguồn cội. Không còn nhiều thanh niên ở lại làng nữa vì phải đi học, đi làm xa để mưu sinh.

Chị H’Đào (SN 1993, ngụ buôn Hố Hầm) là một trong rất ít người Chăm thuộc thế hệ 9X còn tâm huyết với việc giữ gìn và phát triển văn hoá của dân tộc mình. Chị Hờ Đào cho biết: “Hiện giờ ở trong buôn vẫn còn làm rượu cần nhưng không còn nhiều như xưa. Mặc dù là thức uống truyền thống nhưng nay ít người kế thừa nên đa phần người trẻ không biết cách làm. Một phần là do thời gian ủ rượu cần kéo dài, mà mỗi lần làm ra thì nhiều nên nếu uống lai rai thì không phù hợp”.

Chị H’Đào hiện đang là giáo viên tiểu học của xã Hoà Hội, cứ đến ngày nghỉ là chị lại sang phụ giúp cô mình là bà Hờ Phiền ủ những Ché rượu cần thơm ngon, để dùng vào các dịp lễ Tết. Vừa loay hoay đưa những ché rượu vừa ủ xong vào kho, chị Đào thở dài cho biết, thời nay có sự gia nhập của rượu, bia công nghiệp, vừa nhỏ gọn và dễ mang đi nên rượu cần ngày càng ít được sử dụng. Vì vậy, ngày càng ít người trong buôn muốn học cách ủ rượu truyền thống.

Về Phú Yên thăm ché rượu người Chăm
Người Chăm ở Hòa Hội trong những ngày bầu cử HĐND các cấp vừa qua. (ảnh Thiên Lý)

Khó khăn là vậy, nhưng để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của người Chăm trên địa bàn, chính quyền xã Hoà Hội cùng Đoàn thanh niên luôn vận động và hỗ trợ về mọi mặt để truyền thống văn hoá của người Chăm không bị đứt quãng và lãng quên.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, chủ tịch UBND xã Hòa Hội cho biết, hằng năm, vào các dịp lễ Tết hoặc Ngày hội Đại đoàn kết, chính quyền xã luôn vận động các hộ dân trong buôn cùng tham gia biểu diễn văn nghệ, các hội thi cà kheo, bắn nỏ... để duy trì văn hoá truyền thống của cộng đồng người Chăm. “Riêng về việc bảo tồn văn hóa rượu cần, chính quyền địa phương và huyện vẫn đang tìm giải pháp khả thi nhất để giúp người Chăm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá này, không để nó mai một”, ông Trường cho biết. Ngoài ra, khi có điều kiện chính quyền địa phương cũng hỗ trợ kinh phí cho buôn Hố Hầm mua quần áo, bảo tồn cồng chiêng và các di sản văn hóa tinh thần và vật chất khác.

Theo thoidai.com.vn
https://thoidai.com.vn/ve-phu-yen-tham-che-ruou-nguoi-cham-156431.html
Copy Link
https://thoidai.com.vn/ve-phu-yen-tham-che-ruou-nguoi-cham-156431.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Về Phú Yên thăm ché rượu người Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO