Xã hội hóa để lấy kinh phí chăm sóc hổ
Chiều tối 22/3, các nhân viên thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) với sự hỗ trợ của chuyên gia động vật quốc tế đã đưa thành công 7 cá thể hổ Đông Dương từ tỉnh Nghệ An về Quảng Bình để chăm sóc, bảo tồn.
Đây là những cá thể hổ được phát hiện, bắt giữ trong một vụ án vận chuyển trái phép động vật hoang dã tại tỉnh Nghệ An và được chăm sóc ở VQG Pù Mát (Nghệ An) trước khi đưa về Quảng Bình.
Sau hơn 7 tháng chăm sóc tại VQG Pù Mát, 7 cá thể hổ đã tăng cân và sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, do không có đủ điều kiện để nuôi nên Ban Quản lý VQG Pù Mát đã đề xuất chuyển 7 cá thể hổ tới Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng để phù hợp việc nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo tồn.
Để tiếp nhận và chăm sóc 7 cá thể hổ này lâu dài, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã chuẩn bị chuồng trại, xây dựng quy trình kỹ thuật cứu hộ, khẩu phần thức ăn cho hổ, bảo đảm phù hợp tập tính sinh thái theo từng giai đoạn sinh trưởng của hổ. Đồng thời cử cán bộ kỹ thuật tham gia học tập kinh nghiệm để làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Theo cán bộ của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, ở thời điểm hiện tại, mỗi cá thể hổ sẽ ăn với lượng thức ăn khoảng 600 nghìn đồng mỗi ngày. Khi trọng lượng của hổ đạt hơn 100kg thì lượng thức ăn cũng sẽ tăng lên từ 800 đến 1 triệu đồng/cá thể/ngày.
Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, để chăm sóc và giúp hổ sinh trưởng tốt, đơn vị đã lên các phương án hết sức chặt chẽ. Bên cạnh kỹ thuật chuyên sâu về chăm sóc thì kinh phí để nuôi hổ lâu dài cũng đã được phía VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tính tới.
Theo ông Trí, những khó khăn về kỹ thuật chuyên sâu chăm sóc hổ, đơn vị đã có những giải pháp tranh thủ những ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Đặc biệt là tranh thủ kinh nghiệm cũng như chia sẻ các bài học từ các trung tâm cứu hộ ở nước ngoài, đồng thời kết hợp với các kinh nghiệm đã được tích lũy tại các cơ sở bảo tồn nuôi nhốt hổ ở Việt Nam.
"Chúng tôi có 3 nguồn cơ bản để chăm sóc hổ, đó là ngân sách của tỉnh, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và xã hội hóa. Trước mắt các nguồn kinh phí này đã đảm bảo. Chúng tôi cũng dự kiến thành lập Quỹ bảo tồn di sản, trong đó một phần để nuôi hổ. Về lâu dài sẽ nghiên cứu để mở cơ hội cho du lịch sinh thái và giáo dục môi trường", ông Trí nói.
Giúp "chúa sơn lâm" thoát cảnh "gầm trong cũi sắt"
Các cá thể hổ khi được bàn giao về VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đều khỏe mạnh, con nặng nhất 64kg, nhỏ nhất 56kg, được di chuyển từ Nghệ An đến Quảng Bình bằng cách đưa vào lồng sắt rồi chở bằng ô tô tải mà không cần dùng thuốc mê. Khi đến Phong Nha - Kẻ Bàng, các nhân viên cứu hộ phải mất gần 3 giờ đồng hồ để có thể đưa các cá thể hổ từ lồng sắt vào chuồng.
Trong hành trình đưa 7 cá thể hổ từ Nghệ An về Quảng Bình, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về mặt kỹ thuật từ bà Szilvia Kalogeropoulu, Chuyên gia của Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC). Chuyên gia này là người trực tiếp hỗ trợ đưa các cá thể hổ từ lồng sắt vào chuồng một cách an toàn. Bà Szilvia Kalogeropoulu đánh giá rất cao công tác chuẩn bị cũng như khu vực nuôi hổ mà VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã lựa chọn.
"Hôm nay tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi cùng 7 cá thể hổ di chuyển về Quảng Bình. Các bạn đã làm những gì tốt nhất có thể để chăm sóc hổ, khi đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất mới, mọi điều kiện tốt nhất, phù hợp để đón những chú hổ trở về", chuyên gia Szilvia Kalogeropoulu đánh giá.
Khu vực nuôi nhốt hổ tại Quảng Bình nằm ở giữa rừng nguyên sinh của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, ít người qua lại. Các chuồng hổ thiết kế liền kề nhau, kiên cố, đảm bảo kỹ thuật.
Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, đơn vị này rất tự tin để chăm sóc tốt và có phương án lâu dài cho 7 cá thể hổ vừa tiếp nhận. Trung tâm bảo tồn và Phát triển sinh vật của Phong Nha - Kẻ Bàng có đội ngũ cán bộ chuyên cứu hộ động vật hoang dã với hơn 20 năm kinh nghiệm, từ đó có cơ sở để nuôi dưỡng đàn hổ.
Hiện VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã lên kế hoạch để 7 cá thể hổ không chịu cảnh nuôi nhốt trong chuồng sắt. Theo ông Thái, trong tương lai gần, đơn vị sẽ lựa chọn một khu vực phù hợp tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng để quy hoạch diện tích khoảng 5.000m2 khép kín, đủ điều kiện để đưa hổ về với môi trường bán tự nhiên.
"Trước mắt thì chúng tôi sẽ chăm sóc các cá thể hổ trong chuồng sắt, tuy nhiên trong tương lai phải để hổ được sống trong môi trường bán tự nhiên, có khoảng không gian rộng lớn hơn để thích nghi, sinh trưởng. Các kế hoạch cũng đã được chúng tôi vạch ra và có lộ trình rõ ràng, Phong Nha - Kẻ Bàng mong muốn mang lại cho các chú hổ một điều kiện sống phù hợp và tốt hơn", ông Thái cho hay.