Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nói chung và xã Hương Đô nói riêng có vị trí chiến lược quan trọng. Đây là điểm nút tiếp nối Quốc lộ 15A với đường 21, đường 22 ở tỉnh Quảng Bình, để trung chuyển quân, lương, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Giai đoạn 1966-1970, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương, kiêm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã chọn thôn 7 (xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) làm căn cứ chiến đấu, tiếp sức cho chiến trường miền Nam. Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Sở Chỉ huy Tiền phương, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Bộ Tư lệnh 500 được đặt trong các nhà dân tại đây.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng đánh giá vị trí này hội tụ đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa với 4 cái nhất. Đó là: An toàn nhất, bí mật nhất, bất ngờ nhất và có thời gian lâu nhất.
Năm 2005, Di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục hậu cần, Bộ Tư lệnh 559, Bộ tư lệnh 500 được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.
Năm 2013, nơi đây được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia đặc biệt trong hệ thống Di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Di tích tại xã Hương Đô trở thành một trong 37 di tích thành phần của hệ thống di tích đường Trường Sơn.
Ngày nay, di tích tại xã Hương Đô nằm cách Quốc lộ 15A khoảng 0,5km, cách đường Hồ Chí Minh 1,5km về phía đông trên diện tích gần 6.000m2.
Năm 2011, khu di tích được đầu tư dự án phục dựng một số hạng mục như bia dẫn tích, nhà đón tiếp, lớp mái và xây tường bao hội trường, nhà làm việc, hầm trú ẩn, hầm làm việc với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng.
Di tích nằm trong khu dân cư, làng mạc, được người dân gìn giữ, bảo vệ. Trong hình là căn nhà của gia đình bà Đinh Thị Khánh - nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở và làm việc.
Tháng 4/2019, sau khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần, chính quyền và người dân xã Hương Đô đã lập bàn thờ tại căn nhà ông từng ở và làm việc để tưởng nhớ.
Bàn thờ ngoài bức tượng đồng cố Trung tướng, còn có di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo cao nhất. Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023), khu di tích đón nhiều đoàn đến dâng hương.
Bà Nguyễn Thị Huệ (70 tuổi, thôn 7, xã Hương Đô, con đầu của bà Đinh Thị Khánh - gia đình được Trung tướng chọn ở và làm việc giai đoạn 1966 - 1970) cho biết, thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về đây, bà khi đó mới 12 tuổi.
Trong ký ức của bà Huệ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người thân thiện, hòa đồng. Mỗi khi xong công việc, Trung tướng luôn hỏi thăm và trò chuyện vui vẻ với mọi người trong gia đình bà.
"Có lần gặp tôi, bác có dặn là nếu người lạ hỏi, cháu phải 3 không: "Không biết, không nói và không chỉ". Nhận thức được đây là bí mật của quân đội, của quốc gia, tôi luôn vâng lời bác. Hòa bình lập lại, chúng tôi rất vui vì nơi đây trở thành di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đặc biệt", bà Huệ chia sẻ.
Một số kỷ vật là quân tư trang của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được đặt trong tủ kính trưng bày tại khu di tích.
Khu di tích trưng bày nhiều bức ảnh tư liệu ghi lại cuộc kháng chiến khó khăn, ác liệt của quân đội ta, trong đó có nhiều hình ảnh về Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hầm chữ A trú ẩn dưới nhà làm việc của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Tại đây đặt các hiện vật như chõng nghỉ ngơi, bộ đàm liên lạc của lãnh đạo Bộ Tư lệnh.
Khu vườn của gia đình ông Hoàng Văn Học là nơi đặt Hội trường Sở Chỉ huy. Công trình rộng 75m2, nền dạng bán âm, sâu 2m, xung quanh đắp lũy chắn đạn.
Sở Chỉ huy, hội trường, hầm trú ẩn, nơi làm việc được nối liền với nhau bởi hệ thống đường hào giao thông rộng hơn 1m, cao gần 3m.
Ngày nay, khu Di tích Sở Chỉ huy Tiền phương trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, đón du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử.